Những thú chơi “độc, đắt mà đáng” của các tỷ phú công nghệ
(DNTO) - Các giám đốc điều hành công nghệ tên tuổi thế giới như Larry Ellison, Jeff Bezos và Elon Musk đã tìm ra những thú chơi khác thường nhưng đầy ý nghĩa, chứ không phải là để tiêu bớt tiền trong gia sản hàng tỷ USD của mình.
Giới tỷ phú công nghệ nay ngày càng đông. Trong số họ có một số ít kín tiếng, tiết kiệm, phần đông những người khác chi tiền cho những khoản sống thượng lưu thông thường như tậu biệt thự sang trọng hoặc hưởng những kỳ nghỉ cao cấp xa xỉ. Tuy vậy, lại có một vài tên tuổi đại gia, ngoài chuyện sở hữu các bất động sản với tỷ lệ hợp lý, cộng với việc dành nhiều thời gian cho những mục tiêu cao cả hơn như quyên góp từ thiện hoặc ký cam kết gia nhập nhóm Giving Pledge, họ cũng đã sử dụng hàng tỷ đô-la của mình để theo đuổi các dự án đam mê khó tin. Chúng mang đủ các tiêu chí khác thường như độc đáo, đắt đỏ nhưng lại xứng đáng với đúng bàn chất họ có, những tâm hồn khao khát khám phá, cống hiến. Ba cái tên được nhắc đến là Larry Ellison, Jeff Bezos và Elon Musk.
Elon Musk, chơi để tìm cảm hứng sáng tạo
Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021, ông chủ của dự án công nghệ không gian SpaceX và hãng xe hơi điện Tesla, từng khiến giới chơi 4 bánh sửng sốt và khó hiểu khi cách đây 8 năm đã bỏ ra 920.000 USD để thắng đấu giá chiếc Lotus Esprit, xe hơi tàu ngầm xuất hiện trong bộ phim James Bond "The Spy Who Loved Me”.
Khi còn là một đứa trẻ ở Nam Phi, Musk đã mê mẩn chiếc xe độc mà anh chàng 007 từng lái ra khỏi bến tàu, nhấn một nút, Lotus Esprit lập tức biến thành chiếc tàu ngầm lặn dưới nước. Hồi bé ông cảm thấy thất vọng vì nghĩ nó khó thành hiện thực mà chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Nhưng khi trưởng thành, về mặt kỹ thuật Musk tin mình có thể nâng cấp xe bằng hệ thống truyền động điện của Tesla để biến nó thành xe thật để đáp ứng nhu cầu thực sự cần của thị trường. Thế là ông quyết định “chơi”!
Giờ đây, khi đã sở hữu Lotus Esprit giá gần bạc triệu, xem như Elon Musk đang có sẵn trong thay tiêu bản thiết kế của một chiếc xe lai tàu ngầm, dù không biết nó sẽ nằm đóng bụi một xó tới bao giờ và chưa biết khi nào ông mới có kế hoạch dùng tới. Như thế, chính phim ảnh đã truyền cảm hứng để Elon Musk hưởng được thú chơi khác người này.
Jeff Bezos, lấy sở thích riêng phục vụ tương lai nhân loại
Bên cạnh niềm đam mê với không gian khi thành lập công ty tên lửa Blue Origin, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos còn đầu tư 42 triệu USD tài trợ thực hiện công trình thiết kế chiếc đồng hồ cơ học mang tên “Đồng hồ 10.000 năm” sẽ được đặt trong một ngọn núi ở bang Texas. Với mục đích hướng đến tương lai dài hạn của nhân loại và Trái đất, đồng hồ toàn bộ là cơ khí này cao đến 154m và hoạt động dựa trên nguồn năng lượng từ chu kỳ nhiệt ngày đêm, đồng bộ hóa thời gian theo Mặt Trời.
Chưa hết, vào năm 2013, CEO này còn đỡ đầu cho một cuộc thám hiểm xuống tận đáy đại dương để thu hồi những phần động cơ còn lại của phi thuyền Apollo 11. Để thực hiện sứ mẹnh này, chính Bezos đã dẫn đầu nhóm khi điều khiển các robot không người lái lặn xuống độ sâu hơn 4.200m của Đại Tây Dương ngoài khơi Cape Canaveral, Florida. Ông đã chia sẻ những cảm xúc của mình khi hưởng thú chơi “độc, dị” này với tờ thời báo Seattle: "Thực sự chạm vào và mang được những mảnh ghép đó lên boong đã mang lại cho tôi tất cả những cảm giác tôi từng có khi mới 5 tuổi về sứ mệnh thám hiểm mặt trăng của chương trình Apollo. Nếu cuộc chơi này truyền cảm hứng để thế giới có thêm một nhà thám hiểm hay một nhà phát minh trẻ làm được điều gì đó tuyệt vời cho thế giới, tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.
Larry Ellison, mua đảo để cải thiện môi trường
Từ cuối năm vừa qua, tỷ phú sáng lập Oracle Larry Ellison đã chuyển hẳn đến sinh sống ở hòn đảo Lanai thuộc Hawaii mà ông sở hữu 98% cổ phần trị giá 300 triệu USD của cơ ngơi này từ 8 năm trước. Trên thế giới không ít CEO bỏ tiền ra mua nhiều nhà cửa đất đai đắt đỏ, nhưng có lẽ ít người giống với Larry Ellison. Đảo có 90.000 mẫu đất gồm một số khu nghỉ dưỡng và là nơi sinh sống của hơn 3.200 cư dân. Không phải mua để giữ của hay đầu cơ như một số tỷ phú, Ellison có kế hoạch sử dụng vùng đất rộng này để thử nghiệm các hoạt động thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời và xe điện.
Sergey Brin và Larry Page với cuộc chơi phát triển giấc mơ không gian
Nhà sáng lập Google, Sergey Brin, được cho là đã đầu tư từ 100 đến 150 triệu USD tiền riêng để chế tạo khí cầu bay, một dạng phi thuyền dài gần 183m, tại một trung tâm nghiên cứu của NASA gần Mountain View, California. Anh đã hình dung ra sản phẩm của mình sẽ được sử dụng để giao hàng đồ dùng và thức ăn cho các địa điểm xa xôi trong những sứ mệnh nhân đạo, hoặc dùng như một "du thuyền trên không" cho bạn bè và gia đình. Theo anh, các công nghệ chế tạo phi thuyền mới hứa hẹn sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hoá tính trên mỗi dặm.
Một người đồng sáng lập Google khác, Larry Page, cũng rất quan tâm đến phương tiện bay, xem đó là thú vui riêng. Page đã tài trợ cho ba công ty khởi nghiệp xe hơi bay khác nhau. Cụ thể là anh đã đầu tư cho Conrad, taxi bay hai chỗ ngồi, cho loại thuyền bay có tên Flyer, và cho Opener, một công ty khởi nghiệp sản xuất phương tiện bay có tên là BlackFly.
Giống như nhiều CEO khác đang có máy bay riêng, nhưng Page và Brin lại “chơi” kiểu khác. Năm 2005, cả hai mua một chiếc Boeing 767-200 chở khách cũ, nhưng cho thiết kế lại nội thất theo một phong cách rất Google. Nó có thêm một khu vực ăn uống, hai phòng vệ sinh với phòng tắm liền kề và nhiều ca-bin tiếp khách. Máy bay phản lực của Page-Brin có thể chứa tới 50 hành khách với toàn ghế chuẩn hạng nhất.