Nhiều doanh nghiệp lớn sắp 'cuốn gói' khỏi sàn chứng khoán
(DNTO) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), vừa thông báo hủy tư cách doanh nghiệp đại chúng của các doanh nghiệp: CTCP Thép Việt - Ý và CTCP Việt Sáng Tạo. Theo nhiều chuyên gia, đối với những cổ phiếu yếu kém bị buộc phải rời sàn, giá cổ phiếu thường bị tụt dốc khiến cổ đông nhỏ dễ bị chịu thiệt.
Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (mã chứng khoán: VIS), vốn là tên tuổi lớn trong ngành thép, gần đây gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp thành lập 2003 và giao dịch trên sàn HoSE năm 2006. Hoạt động chính của VIS là sản xuất sắt, thép, gang, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy...
VIS có vốn điều lệ 738,3 tỷ đồng, tương ứng 73,8 triệu cổ phiếu đang niêm yết. Cơ cấu cổ đông VIS có hai cổ đông lớn chiếm 93,81% vốn điều lệ và còn lại 6,19% vốn điều lệ thuộc về 1.463 cổ đông nhỏ.
Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2021, VIS đạt 5.821,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với 2020, nhưng lỗ ròng 132,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện có tổng tài sản mức 2.998 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn gần 941 tỷ đồng và hàng tồn kho 1.303 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ phải trả tăng 11% lên 2.602 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VIS đang bị cảnh báo, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3 ở mức 16.050 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Việt Sáng Tạo, có địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Thăng Long, số 98 Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0101183511 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp đăng ký lần đầu ngày 07/11/2001, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 07/09/2020.
Công ty này chuyên về tư vấn, chế tạo, lắp đặt và buôn bán các hệ thống đo lường, tín hiệu và điều khiển tự động, chống sét, điện tử viễn thông, tin học; hệ thống cảnh báo, bảo vệ, báo cháy và chống cháy; hệ thống thông gió và điều hòa không khí…
Trong năm 2020, Việt Sáng Tạo chỉ đạt doanh thu thuần hơn 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 74,3 triệu đồng. Nợ phải trả tại thời điểm cuối 2020 là 9,3 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, công ty đại chúng có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ. Như vậy, cả hai công ty đã không đáp ứng điều kiện và phải hủy tư cách công ty đại chúng.
Theo nhiều chuyên gia, đối với những cổ phiếu yếu kém bị buộc phải rời sàn, giá cổ phiếu thường bị tụt dốc khiến cổ đông nhỏ dễ bị chịu thiệt.
Cụ thể, theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia chứng khoán: Ở góc độ thị trường, doanh nghiệp bị hủy niêm yết sẽ gây thiệt hại quyền lợi của cổ đông nhỏ. Mặt khác, hủy niêm yết đồng nghĩa doanh nghiệp đó sẽ là doanh nghiệp đại chúng giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Trong khi đó, "thị trường OTC hiện nay gần như đóng băng, tức là cổ đông thì không bán được cổ phiếu, còn doanh nghiệp cũng tắc đường huy động vốn qua thị trường này...
Ông Hiển thì cho rằng, bị hủy niêm yết tức là doanh nghiệp sẽ đánh mất hình ảnh và vị thế gây dựng được bấy lâu nay, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Sau này dù doanh nghiệp có niêm yết lại, cũng khó được nhà đầu tư dành trọn niềm tin. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đó phải làm lại tất cả thủ tục niêm yết và tốn kém thêm một khoản phí tư vấn nữa.
"Việc rút niêm yết sẽ là một "vết đen" trong lịch sử doanh nghiệp. Cho dù doanh nghiệp đó làm ăn tốt đến đâu, thương hiệu uy tín như thế nào, thì việc hủy niêm yết trong quá khứ, sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt trong trường hợp làm việc hoặc đặt vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn đầu tư vốn, trong trường hợp doanh nghiệp đại chúng thì không vấn đề gì, nhưng nếu đã niêm yết mà lại hủy, họ sẽ rất ngần ngại", bà Hoàng Thị Hoa - Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt cho biết.