Nhiều cơ sở kinh doanh ở Hà Nội 'xoay chưa kịp' để mở bán trở lại
(DNTO) - Nhiều cửa hàng ăn uống chưa chuẩn bị kịp nguyên liệu để mở cửa, một số băn khoăn lo ngại về nguồn hàng cung ứng, hoạt động của shipper (người đưa hàng) vẫn bị hạn chế sẽ khó vận chuyển hàng cho khách.
Không đủ nguyên liệu, chưa có thợ để mở cửa hàng
Do chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở bán mang về vẫn chưa hoạt động trở lại, một số quán mở cửa bán cầm chừng để nghe ngóng tình hình.
Anh Trần Hùng, chủ cửa hàng phở trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đã chờ đợi việc được hoạt động lại từ rất lâu. Qua 3 đợt giãn cách, đến hôm nay mới được kinh doanh trở lại nhưng do thông tin nhận quá gấp, từ hôm qua tới nay chưa xoay được để mở cửa hàng.
“Để mở kinh doanh được thì cần nguyên liệu, thịt đặt gấp các mối không đưa kịp, hàng chỉ được bán mang về việc tìm shipper vận chuyển đến khách hàng vẫn rất khó khăn” - anh Hùng nói.
Chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Đội Cấn, anh Nguyễn Văn Hợp cho biết, cửa hàng có 4 thợ ở ngoại tỉnh cả, đều nghỉ gần 2 tháng, nay không chuẩn bị kịp để mở cửa hàng.
“Cũng mong dịch bệnh ổn để kinh doanh trở lại, trong 2 tháng qua chủ nhà giảm 30% tiền thuê nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng gần 20 triệu đồng, đợt dịch này là khó khăn nhất. Giờ tôi gọi thợ lên nhưng vẫn lo, nếu dịch bùng phát trở lại vẫn phải trả lương mà không kinh doanh được thì thêm lỗ, chỉ dám gọi 2 người lên làm tạm” - anh Hợp chia sẻ.
Cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về nhưng shipper vẫn hạn chế hoạt động
Dù được phép hoạt động, mở cửa trở lại nhưng để đảm bảo phòng chống dịch, các hộ kinh doanh đều ký cam kết chỉ được phép bán hàng mang về; không tổ chức tụ tập đông người tại các khu vực mua, bán, luôn tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Hà Nội quy định cụ thể các cơ sở kinh doanh được hoạt động bao gồm: văn phòng phẩm, sách, thiết bị đồ dùng học tập; sửa chữa phương tiện giao thông, đồ điện tử, điện lạnh, gia dụng; ăn uống (chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h). Khu vực hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội (gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa).
Mở cửa hoạt động trở lại nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn còn băn khoăn. Chị Thùy Linh chủ một quán cơm văn phòng trên đường Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nguồn cung thực phẩm vẫn chưa thực sự dồi dào, rau xanh, một số loại thịt tăng giá, khan hiếm do việc vận chuyển gặp khó khăn. Trong khi nguồn thực phẩm của cửa hàng chủ yếu do các huyện ngoại thành (vùng xanh) cung ứng. Việc thiếu hụt nguồn hàng và giá tăng sẽ khó bán được hàng.
“Hàng ăn chỉ được bán mang về, đội ngũ shipper có được hoạt động trở lại hay không và việc kiểm tra giấy đi đường thế nào? Nếu các shipper tự do không được hoạt động thì sẽ rất khó trong việc đưa hàng đến cho khách” - chị Linh băn khoăn.
Phương án nới lỏng hoạt động đối với shipper tại khu vực an toàn mới được Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội chuẩn bị. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, shipper thuộc nhóm nguy cơ cao, nên vẫn phải áp dụng các điều kiện cụ thể để có thể hoạt động.
Theo đó, shipper phải được tiêm 2 mũi vaccine, được xét nghiệm thường xuyên và phải dưới sự quản lý trực tiếp của doanh nghiệp. Trước mắt là tạo cơ chế để shipper của doanh nghiệp được hoạt động, còn shipper tự do hoặc shipper không có đầu mối thì phải từng bước.
Cho phép cửa hàng ăn uống hoạt động trở lại nhưng chỉ bán mang về, tuy nhiên lượng shipper khan hiếm sẽ là khó khăn cho các cơ sở kinh doanh này.