Nhiều cổ phiếu du lịch vào diện cảnh báo nay nhuộm sắc tím: Sự hồi sinh trở lại?
(DNTO) - Nhiều cổ phiếu ngành du lịch bất ngờ khởi sắc tăng cao như "diều gặp gió" trong hai phiên giao dịch vừa qua, bất chấp việc những mã này đang nằm trong diện bị cảnh cáo hoặc bị kiểm soát của các sở giao dịch chứng khoán.
Đầu tiên phải kể đến mã PDC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia khi bất ngờ tăng hơn 9,5% trong phiên giao dịch hôm nay (18/2), sau khi đã tăng 8,9% trong phiên hôm qua, bất chấp việc rơi thảm trong ba phiên trước đó. Hiện tại, PDC giữ 8.000 đồng/cp, cũng là mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2017 của mã này.
Tháng 4 vừa qua, HNX đã đưa PDC vào diện cảnh báo khi lợi nhuận năm 2020 âm hơn 8 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2021 của PDC cũng không mấy sáng sủa khi tình trạng âm lợi nhuận tiếp tục với con số hơn 11 tỷ đồng.
Tương tự, mã DAH của Tập đoàn Khách sạn Đông Á cũng bất ngờ tăng kịch trần 6,98% trong phiên giao dịch, ngày hôm qua cũng tăng 6,96% trong sắc tím, đạt 12.300 đồng/cp. Tháng 1 vừa qua, DAH đã rơi vào giá thấp nhất trong 5 năm qua khi chỉ còn hơn 3.600 đồng/cp.
DAH hiện nằm trong diện cảnh cáo của HoSE từ tháng 4 vừa qua, khi lợi nhuận sau thuế âm trong năm 2020.
Mã RIC của Công ty Quốc tế Hoàng Gia hiện đang trong "tầm ngắm" kiểm soát của HoSE cũng tăng ngoạn mục trong phiên với mức tăng kịch trần 6,87%. Trước đó, RIC công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với con số lỗ cả năm 2021 là 96,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế tới 31/12/2021 gần 406 tỷ đồng, trong đó hai năm trước: 2020 lỗ 81 tỷ và năm 2019 lỗ 72 tỷ đồng. Như vậy RIC đang đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu lãi sau thuế năm 2021 tại báo cáo tài chính kiểm toán năm là số âm.
Không nằm ngoài xu thế, mã NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng tăng liên tiếp trong hai phiên vừa qua với mức tăng lần lượt là 6,69% và 6,64%. Hiện tại NVT cũng đang trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 đang trong tình trạng lỗ. HoSE vẫn duy trì diện cảnh báo đối với NVT cho đến khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 sẽ có hướng giải quyết tiếp theo.
Có thể nói, nhóm cổ phiếu ngành du lịch và dịch vụ lưu trú hôm nay đã có một phiên giao dịch nhuận sắc khi có mức tăng cao nhất trên sàn chứng khoán với mức tăng trung bình 3,88%. Trong khi đó, VN-Index giảm nhẹ 0,2% nhưng vẫn giữ vững mốc 1.500 điểm.
Sự khởi sắc của nhóm ngành này đã phản ánh sự hồi phục cũng như niềm tin của nhà đầu tư dành cho ngành du lịch trong nước, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 được phủ rộng trên cả nước, học sinh bắt đầu quay trở lại trường học trong tháng 2 này và đặc biệt, hàng không Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm đóng cửa.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng mạnh. Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam tăng cao, như thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách du lịch nội địa đã đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng cao so với tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt khách).
Năm 2022, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 5 triệu (từ mức gần bằng không vào năm 2021) và khách nội địa là 60 triệu, tăng 50% so với cùng kỳ.