Nguồn lực doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn
(DNTO) - Bên cạnh những chính sách tạo bước ngoặt phát triển đối với cộng đồng doanh nghiệp, hiện vẫn tồn tại một số vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật đối với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp 'than trời' vì tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật kinh doanh
Tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được tổ chức mới đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, trong 3 tháng qua, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân TP.HCM đã nỗ lực cùng chính quyền thành phố thực hiện các biện pháp chống dịch, cũng như duy trì các hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, khi chuyển sang trạng thái mới để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp tại TP.HCM rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nguyên vật liệu sản xuất, giá cả, các yếu tố đầu vào tăng nhanh, dòng tiền bị đứt gãy và cạn kiệt… đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế của TP.HCM.
Chính vì vậy, ông Dũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục có các quyết sách tháo gỡ khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, phục hồi hoạt động nhanh chóng trong thời gian tới.
Ông Dũng kiến nghị, Quốc hội cần xem xét xây dựng Luật chính sách tài khóa, giải quyết và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; kéo giãn, hoãn nợ thuế kéo dài đến 2 năm.
Mặt khác, ông Dũng phản ánh, vẫn còn nhiều văn bản, luật chồng chéo nhau làm ảnh hưởng đến các nguồn lực của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Quốc hội nhanh chóng tháo gỡ, giải tỏa những điều khoản đang còn vướng mắc, chồng chéo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam cho biết, việc thực thi luật tại các địa phương còn mang tính cảm tính, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo bà Huệ, sự bất cập trong việc thực thi luật được thể hiện rõ khi doanh nghiệp áp dụng và tiếp cận chính sách bảo hiểm.
Bà Huệ nêu dẫn chứng: Với Luật BHXH sửa đổi, lĩnh vực bảo hiểm, gồm bảo hiểm tài sản doanh nghiệp và bảo hiểm con người, được doanh nghiệp hiểu rằng bảo hiểm là “cái phao” cho doanh nghiệp, khi gặp tình huống khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ “níu” vào phao để phục hồi sản xuất.
“Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp đôi khi vừa áp dụng luật, đôi khi vừa áp dụng ‘lệ’ từ các thông lệ quốc tế, dẫn tới không rõ ràng trong các quy định về luật tài sản. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp dụng và tiếp cận chính sách bảo hiểm”, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An nhấn mạnh.
Liên quan đến Luật Đầu tư, bà Huệ cho rằng, mặc dù đổi mới sáng tạo đang được chú trọng, nhưng Luật Đầu tư vẫn chưa đo lường được lĩnh vực này. “Cụ thể, mặc dù quy định về đấu thầu trong Luật Đầu tư là hình thức minh bạch, nhưng yêu cầu về kinh nghiệm để áp dụng chung cho doanh nghiệp xây dựng và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chưa phù hợp, là rào cản cho các doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Huệ nhấn mạnh.
Cần minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật
Liên quan đến câu chuyện chồng chéo, xung đột pháp luật gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này.
Ông cho biết, một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, tuân thủ pháp luật nào, theo thời điểm hiệu lực ra sao, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, cơ quan nào có thẩm quyền vẫn là một vấn đề rất lớn. Do đó, các dự án cứ chạy vòng vòng và doanh nghiệp phải mất rất nhiều công để làm thủ tục.
Thứ hai, dưới các luật này lại có các thông tư, nghị định hướng dẫn và mỗi văn bản thay đổi rất nhanh, tạo ra sự chưa đồng bộ, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì một dự án có thể bị tắc, bị dừng.
Về nghĩa vụ tài chính, trong nhiều phát biểu của các doanh nghiệp cũng nêu ra, ngoài thuế, các doanh nghiệp phải đóng các nghĩa vụ tài chính với mức độ khác nhau. Nếu thống kê lại thì rất cao, gây ra áp lực và kém cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ ba, hệ thống tổ chức doanh nghiệp chưa thống nhất, tiếp cận còn phân mảnh và khác biệt. Cùng là doanh nghiệp, nhưng phần lớn có những doanh nghiệp hoạt động theo luật riêng, như doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, luật sư hay luật kinh doanh bảo hiểm,.., tạo ra sự bất bình đẳng và những trục trặc trong quá trình vận hành.
Thứ tư, vừa qua có rất nhiều mô hình kinh doanh mới, công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng cách tiếp cận về khuôn khổ pháp lý chưa thống nhất. Cách tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đang không đồng bộ, cho nên vai trò của Quốc hội là rất quan trọng trong thời gian tới.
Thứ năm, hiện nay xu hướng một số luật đang trao quyền trực tiếp cho các Bộ quá nhiều. Theo luật ban hành thì Thông tư từ các Bộ không được quy định về thủ tục hành chính, không được đặt ra điều kiện kinh doanh, nhưng trong điều luật của Quốc Hội thông qua thì lại giao quyền cho các Bộ quyết định về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh nên chưa đúng tinh thần của luật đầu tư và luật doanh nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng, tới đây, Quốc hội cần có chương trình rà soát tổng thể, liên quan đến thủ tục hành chính, phí... Uỷ ban kinh tế hiện nay đang soạn thảo một báo cáo giám sát rất công phu, hi vọng sẽ mở rộng hơn và nên có sự tham vấn rộng rãi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư
Đồng thời, cần sửa đổi các quy định phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Ví dụ, với doanh nghiệp dược, nếu thuốc không kê đơn thì không được mua trên mạng, phải đến cửa hàng, nhưng điều đó rất bất cập. Hay việc khuyến khích khám chữa bệnh từ xa, nhưng hiện nay luật khám chữa bệnh chưa có cách tiếp cận để thúc đẩy quá trình này.
“Chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế đánh giá chi phí tạo ra cho bộ máy Nhà nước và cần phải bảo đảm lợi ích quốc gia, tránh lợi ích ngành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo quy định nên giao cho các cơ quan độc lập, thay vì giao cho cơ quan đang quản lý cấp phép. Cuối cùng, cần minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, minh bạch, thực chất và báo cáo lên Quốc hội. Cần có giải trình quan điểm, tại sao không tiếp thu để tránh trường hợp ý kiến của doanh nghiệp như “hòn đá ném ao bèo”, không tạo ra động lực”, ông Tuấn nhấn mạnh.