Người tiêu dùng khó tính là cơ hội cho nông sản Việt
(DNTO) - Sau một thời gian dài các thói quen, sinh hoạt của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông sản, thực phẩm cũng đang dần chuyển mình để phù hợp hơn với những sự thay đổi hành vi người dùng hậu đại dịch.
Người tiêu dùng chăm chút hơn khi mua sản phẩm tức là họ đang cho chúng tôi cơ hội
"Trong mảng thực phẩm, nông nghiệp, xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi và thay đổi một cách bền vững", đây là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty CP Dh Foods, "Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Có thể thấy sau khi TP.HCM mở cửa sau dịch thì lượng người ăn uống trực tiếp tại các hàng quán không nhiều, đó là tiêu biểu cho sự thay đổi của người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc GC Food thì cho rằng nếu trước đây khi mua hàng, người dùng sẽ tính bằng kilogram, hiện nay thì họ chuyển sang tính bằng chất lượng sản phẩm. "Họ có thể chấp nhận một mức giá chênh lệch nếu sản phẩm đó có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Giờ đây người tiêu dùng nhận biết rất rõ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên không hẳn là sản phẩm nào có mã QR đều là sản phẩm sạch, người tiêu dùng cũng nên biết rõ chuyện đó. Người tiêu dùng chăm chút hơn khi mua sản phẩm tức là họ trân trọng sản phẩm đó, tức là họ đang cho nhà sản xuất chúng tôi cơ hội".
Tuy nhiên đang có một phong trào các bạn trẻ “bỏ phố về quê” làm những sản phẩm nông nghiệp sạch và sử dụng các kênh mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Và từ đây làm cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, thực phẩm khác bị cuốn theo trào lưu này và chú trọng hơn đến các đối tượng khách hàng thông qua nền tảng mạng. Đây là điều rất tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, vì thông qua đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các sản phẩm tốt, sản phẩm tử tế.
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, có thể thấy hiện nay các doanh nghiệp nông nghiệp, nông sản đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ngày càng đa dạng và phong phú như tiếp cận khách hàng thông qua hình thức online.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Dũng, lời khuyên cho các bạn trẻ hay những doanh nghiệp ít kinh nghiệm khi muốn mang sản phẩm ra nước ngoài thông qua hình thức thương mại điện tử thì nên lưu ý nghiên cứu kỹ về chi phí. "Khi ta kinh doanh online ra thị trường nước ngoài, nhất là thông qua Amazon, ta phải tính toán, lên phương án làm sao để giảm thiểu các loại chi phí khi đến tay người tiêu dùng. Dẫn chứng từ Dh Foods, chúng tôi bán 1 lọ gia vị có giá gốc là 1 USD, sang đến tay người dùng Mỹ lên thành 10 USD, nhưng tôi bán theo combo 6 lọ là 11 USD, 10 lọ cũng chỉ 12 USD. Đó là sự khác biệt và kết quả kinh doanh sẽ thay đổi".
"Còn tại thị trường nội địa thì có 2 kênh là siêu thị và truyền thống mở các hàng phân phối và bán cho tạp hóa, chợ. Khi bán tại tạp hóa thì người bán thường ít trưng bày hay tư vấn hàng hóa, nhưng kênh online lại có thể làm điều đó dễ dàng, cho nên kênh online sẽ mở ra cơ hội để tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng. Điều này các bạn trẻ làm tốt hơn chúng tôi và thừa sức làm điều đó", ông Dũng nhấn mạnh.
Để mang sản phẩm Việt đến các thị trường khó tính cần sự kiên trì
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch GC Food đánh giá: "Tôi cho rằng Việt Nam ta rất phong phú về các loại nguyên liệu để làm gia vị cũng như các loại nông sản, thực phẩm. Những người đã đến Việt Nam, điều họ nhớ nhất có lẽ là các món ăn, như trái cây Việt Nam được đánh giá rất cao về mặt chất lượng cũng như hương vị. Ở Việt Nam có những vùng rất nắng nóng như Phan Rang, Ninh Thuận, vùng mát mẻ như Tây Nguyên, chính vì thế, việc phát triển đa dạng các loại cây trồng, nông sản cung ứng trong nước và quốc tế là một cơ hội và tiềm năng vô cùng to lớn. Tôi thấy được cơ hội trải rộng ra hầu hết các sản phẩm. Tôi mong muốn các bạn trẻ có thể dấn thân nhiều hơn để cùng startup sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, không chỉ cung ứng trong nước mà còn mang niềm tự hào Việt Nam ra thế giới".
Trước nay, về xuất khẩu nguyên liệu và nông sản, Việt Nam thường được đem ra so sánh với Thái Lan về sản lượng xuất khẩu hay chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất, chất lượng không phải là nguyên do chính khiến Việt Nam "tụt lại" so với nước láng giềng Thái Lan.
"Việt Nam không thua Thái Lan về mặt chất lượng. Vấn đề là doanh nghiệp Việt xuất phát chậm hơn Thái Lan và lớp doanh nghiệp kế thừa của họ cũng rất rộng và đa dạng. Vì thế họ có các mạng lưới phân phối hàng có sẵn, đây là một trong những lợi thế vô cùng to lớn. Bởi vì các đối tác quốc tế khi nhập khẩu hàng từ các quốc gia khác, họ sẽ chọn những đối tác lâu năm, có kinh nghiệm nên Thái Lan xuất khẩu thuận lợi hơn chúng ta.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta không có cơ hội, ví dụ như GC Food chúng tôi đã xâm nhập thành công vào các thị trường khó tính như Nhật, Hàn hay châu Âu. Một trong những nguyên tắc đầu tiên trong ngành này đó là khi sản xuất sản phẩm phải định hình được đối tượng khách hàng là ai, nếu mong muốn xuất khẩu thì ngay khi có ý tưởng về sản phẩm hoặc xây dựng nhà máy phải có một quy trình chuẩn, đầu tư bài bản để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế", ông Thứ chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch DH Food nhận định sản phẩm tốt, Việt Nam ta làm được, nhưng xây dựng uy tín cần có thời gian, uy tín không thể mua được. Ông kể lại trong một hợp đồng hợp tác với đối tác Nhật Bản, mặc dù giá trị hợp đồng không lớn nhưng trong suốt thời gian đó công ty ông phải gửi mẫu sang tận nơi, phải làm các bài kiểm tra theo yêu cầu, rất tốn kém nhưng vẫn làm.
"Khi họ đặt đơn hàng nhỏ mình vẫn vui vẻ làm và sau đó mới biết đó chỉ là phép thử của họ. Họ có nói họ từng hợp tác với một số doanh nghiệp Việt, sản phẩm thì tốt nhưng càng về sau chất lượng lại không còn được duy trì như vậy. Nói vậy để thấy, có được khách hàng thì phải kiên trì, xây dựng được niềm tin", Chủ tịch DH Food chia sẻ.