Người Hà Nội chuẩn bị đưa ông Công, ông Táo về Trời
(DNTO) - Dù mai mới chính thức 23 tháng Chạp nhưng không khí tất bật sắm đồ lễ để tiễn ông Táo đã diễn ra từ hôm nay. Theo ghi nhận, sức mua năm nay giảm, một phần do ảnh hưởng của dịch, phần nữa người dân cũng giảm bớt mua sắm để bảo vệ môi trường.
Đã là truyền thống của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tươm tất để tiễn các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp lên chầu Ngọc Hoàng. Ông Táo về Trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về những việc làm trong năm của mỗi gia đình, đồng thời gửi gắm niềm mong ước về một năm mới nhiều may mắn, an lành.
Theo ghi nhận của Doanh nhân trẻ tại chợ Gia Lâm và các khu chợ dân sinh quanh địa bàn thành phố Hà Nội, khung cảnh mua sắm lễ lạt cúng ông Công, ông Táo dù sớm trước 1 ngày nhưng không khí đã vô cùng tấp nập, rộn ràng.
Cá chép được coi là phương tiện để đưa các Táo lên chầu Ngọc Hoàng. Vì vậy, trong nhiều gia đình, lễ cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu những con cá chép vàng, cá chép đỏ.
Đang tự tay lựa chọn từng con cá về làm lễ tiễn ông Công ông Táo, Cô Hoà, (Long Biên, Hà Nội) cho biết nếu ngày mai mua đúng ngày sẽ rất đông vả lại đang dịch Covid -19 nên hay quyết định làm lễ sớm hơn 1 ngày để hạn chế đông người phức tạp: "Năm nay dâng lễ cúng táo quân tôi chỉ mong gia đình mạnh khoẻ, bình an, dịch bệnh được đẩy lùi”, cô Hoà chia sẻ.
Bên cạnh cá chép thì các vật phẩm cúng tiễn ông Táo như: hương nhang, vàng mã, xôi chè, trầu cau... cũng được bày bán đa dạng phục vụ người dân sắm lễ.
Ngoài ra, trên mâm cơm cúng những ngày này không thể thiếu đĩa xôi, đặc biệt là xôi gấc với màu đỏ đặc trưng. Những đĩa xôi ở đây cũng được nhiều khách hàng lựa chọn với mức giá dao động từ 25.000 - 50.000 nghìn đồng.
Theo quan sát, ngoài cá chép thì mặt hàng bán chạy nhất trong ngày hôm nay là gà.
Mặc dù không khí mua sắm diễn ra tất bật, nhưng nhìn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình buôn bán của các tiểu thương ở chợ cũng không được thuận lợi so với mọi năm bởi người dân đang thắt chặt chi tiêu.
"Mọi năm tầm này tôi phải nhập thêm hàng về bán, nhưng năm nay dịch bùng phát khiến sức mua giảm, mong dịch qua nhanh để bà con ăn Tết cho ngon và hàng hoá của chúng tôi không bị trồi sụt thất thường". Anh Minh, tiểu thương chợ Gia Lâm chia sẻ.