Người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam vẫn sống khỏe mạnh sau 30 năm
(DNTO) - Tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, diễn ra hôm nay 17/11, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, sau 30 năm phát hiện nhiễm HIV, người bệnh này vẫn sống khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị.
Có thể sống khỏe mạnh nếu tuân thủ điều trị HIV
Trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện tại Việt Nam vào năm 1990. Đó là một bệnh nhân nữ, sống tại TP.HCM. Hiện sau 30 năm, bệnh nhân này vẫn được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đang sống khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị.
Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, nữ bệnh nhân này bị lây nhiễm HIV từ chồng sắp cưới khi mới 30 tuổi (chồng bệnh nhân nhiễm HIV vì có quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình trước đó). Từ khi phát hiện nhiễm HIV, bà được theo dõi định kỳ, đến năm 1997 bà bắt đầu uống thuốc kháng virus (ARV).
“Với người nhiễm HIV, nếu được tiếp cận điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt, CD4 sẽ đạt dưới ngưỡng phát hiện, và tuổi thọ của họ sẽ đạt gần như người bình thường”, ông Long nói.
Cũng tại cuộc họp báo, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho hay, đây là một trong những trường hợp minh chứng cho chất lượng điều trị tốt tại Việt Nam.
“Việt Nam đã được ghi nhận là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng", ông Cảnh nhấn mạnh.
Ông Cảnh cho biết thêm, hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống, nhưng chỉ có 190.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Cả nước có 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng virus ARV. Nếu được điều trị thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong.
Bên cạnh công tác điều trị, trải qua 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Điển hình, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Gia tăng HIV nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ (MSM)
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, mặc dù dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (quan hệ tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma tuý). Mỗi năm Việt Nam vẫn có 10.000 người mắc mới với khoảng 2.000 – 3.000 người tử vong, gấp 10 lần số tử vong của 28 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam.
Đáng nói, số trường hợp tử vong đều rơi vào nhóm tuổi rất trẻ (dưới 30 tuổi). Do đó, ông Cảnh nhấn mạnh, thời gian tới vẫn cần tiếp tục chú trọng các biện pháp phòng, chống để bảo đảm kết quả bền vững và tiến tới sớm kết thúc được dịch AIDS.
Nhấn mạnh thêm về những thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện tình hình dịch vẫn chưa ổn định khi vẫn còn hơn 10.000 người bị nhiễm HIV mỗi năm.
“Đáng lưu ý, tình trạng gia tăng HIV nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ (MSM) đáng báo động. Nếu 5-7 năm trước có khoảng 4% người nhiễm, đến nay tăng lên 10-15 % dương tính HIV, và dương tính mới cao. Nếu không kiểm soát được nhóm này sẽ rất khó kiểm soát dịch HIV/AIDS tại Việt Nam”, ông Long nói.
Ngoài ra, nhân lực chuyên môn phòng chống HIV/AIDS giảm nghiêm trọng; chế độ đãi ngộ cho cán bộ trong lĩnh vực này còn ít; nhân viên coognj đồng bị cắt giảm do thiếu kinh phí.
Để khắc phục tình trạng này, định hướng trong thời gian tới, Cục HIV/AIDS tiếp tục mở rộng người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV sớm, điều trị ARV trong ngày, hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.
Mở rộng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, bao gồm thuốc ARV, xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 từ nguồn bảo hiểm y tế. “Thực hiện các can thiệp đặc thù nhằm tăng số người nhiễm HIV thuộc các quần thể ẩn (MSM, chuyển giới…) được tiếp cận với điều trị thuốc ARV sớm”, ông Long nhấn mạnh.