Nghệ sĩ và lời cảnh báo ý thức trách nhiệm với nội dung sản phẩm
(DNTO) - Vụ việc MV "There is no one at all" của Sơn Tùng M-TP bị khán giả phản ứng dữ dội với nội dung tiêu cực, thể hiện cảnh một chàng trai trẻ do bị ức chế đã nhảy lầu tự tử, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức của nghệ sĩ khi sáng tạo nội dung.
Những lo ngại từ cộng đồng
Lên sóng tối 28/4, MV mới của Sơn Tùng ngay lập tức gây chú ý với khán giả bởi nhiều lý do, trong đó có sức ảnh hưởng của nam ca sĩ vốn rất lớn với khán giả trẻ. Gần như tất cả các sản phẩm của Sơn Tùng trước đây đều được chờ đón, yêu thích, nhận sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Do đó, chỉ một ngày ra mắt "There is no one at all” đã có hơn 5 triệu lượt view, cho thấy cách nam ca sĩ đưa dòng nhạc hiphop pha thêm rock vốn được ưa chuộng và phổ biến trên thế giới đã tiếp tục “bắt trend” thị hiếu.
Tuy nhiên, trong phần âm nhạc và hình ảnh Sơn Tùng muốn chuyển tải câu chuyện về một chàng trai có tuổi thơ khốn khó. Anh là đứa trẻ mồ côi, lớn lên từ cô nhi viện. Lớn lên, anh trở thành một kẻ lang thang, ương ngạnh và coi việc tấn công mọi người vô cớ như cách để khẳng định sự tồn tại của mình giữa thế giới anh ta vô cùng chán ghét. Sau những ngột ngạt phải chịu đựng, kết thúc MV là cảnh anh tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy lầu.
Chưa kể, toàn bộ không gian, tạo hình, biểu cảm của nhân vật chính cùng câu hát được lặp đi lặp lại “There is no one at all” ( Không có một ai) đã tạo nên những ám ảnh nặng nề cho người xem. Có thể đặt vấn đề về nỗi cô đơn, trầm cảm của giới trẻ cần được chia sẻ, quan tâm, nhưng cách diễn đạt, lý giải cái kết của nhân vật của êkíp và Sơn Tùng đã khiến người xem rùng mình, lo lắng. Trong khi đó, MV không được dán nhãn phù hợp cho lứa tuổi, độ lan truyền mạnh từ nền tảng trực tuyến thực sự đã khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên.
Cùng với việc lên tiếng của hàng loạt khán giả, trên trang cá nhân, nhà báo Bạch Hoàn lên tiếng: “Là một nghệ sĩ, một người làm văn hoá, Sơn Tùng cần tránh những sản phẩm như trên. Thay vào đó, cậu ta cần đầu tư nhiều hơn về nội dung, thông điệp, để các bạn trẻ nhìn thấy ở đó sự thấu hiểu và bấu víu vào như một chiếc phao, chứ không phải tảng đá nhấn chìm. Theo tôi, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên yêu cầu ca sĩ Sơn Tùng gỡ ngay MV ca nhạc nói trên khỏi các kênh trên Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần yêu cầu các cơ quan truyền thông gỡ MV ca nhạc này trên các báo nếu đã đăng tải. Đó là việc phải làm để bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta”.
“Trong bối cảnh nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây thì chắc không cần mô tả hiện thực xã hội nữa. Với tầm ảnh hưởng, lẽ ra Sơn Tùng nên có một thông điệp tích cực hơn. Hoặc cứ mô tả hiện thực, rồi cho một cái kết tích cực, tràn ngập yêu thương cũng được mà. Mấy cháu ơi, tẩy chay MV này nhé”, một tài khoản kêu gọi.
Cần ý thức hơn khi sáng tạo nội dung.
Ở độ tuổi vị thành niên, những người trẻ vẫn chưa có được những suy nghĩ thấu đáo, tác động của xã hội, hoàn cảnh tâm sinh lý chưa ổn định, sự ảnh hưởng từ hành động của các nhân vật trong phim ảnh, âm nhạc là chuyện khó tránh khỏi.
Trước đây, khán giả xem phim Việt cũng lên tiếng với cảnh nhân vật nam sinh tự tử vì áp lực học hành và sự kỳ vọng quá đáng của người mẹ trong phim Hãy nói lời yêu.
Thời điểm tập phim lên sóng tháng 6/2021, êkíp Hãy nói lời yêu nhận nhiều chỉ trích, cho rằng bộ phim có thể có cái kết nhẹ nhàng hơn với một cậu bé ngoan và học giỏi như Minh chứ không nhất thiết phải đẩy lên tận cùng bi kịch như vậy.
Ngay cả ở các nước phương Tây, dù văn hoá khác nhau, nhưng khán giả cũng phản ứng dữ dội trước các hành động tự sát của nhân vật như trường hợp MV “Everytime’ của Britney Spear cũng phải cắt bỏ những cảnh phản cảm, dù MV được nhiều đón nhận của công chúng.
Có thể nói, hiện nay khi các ca sĩ, nghệ sĩ làm sáng tạo nội dung phát hành trên các nền tảng trực tuyến như YouTube đã được quyền chủ động, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức cũng như tính sáng tạo của mỗi cá nhân.
Các sản phẩm vì vậy sẽ mang phong cách riêng cũng như tuỳ theo khả năng đầu tư của từng nghệ sĩ. Với nhiều nghệ sĩ có lượng fan hùng hậu, sức lan truyền của sản phẩm thường đạt các mức view “khủng” lên đến con số hàng trăm triệu lượt xem. Do vậy, những ảnh hưởng của thần tượng đến giới trẻ là điều có thật.
Làm nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo, phản ánh thực tế cuộc sống, tuy nhiên các nghệ sĩ và êkíp cần phải trang bị kiến thức, cân nhắc đến nhiều yếu tố văn hoá, sự thể hiện, bối cảnh, trang phục… sao cho không vượt quá lằn ranh phản cảm.
Bên cạnh thực tế hiện nay sự phát triển của công nghệ đang áp đảo, những quy định kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đã không còn ở thể chủ động. Các quy trình đã phải đi sau “hậu kiểm”, nên việc tràn lan các “rác văn hoá” trên không gian mạng đã từng được truyền thông lên tiếng báo động.
Hơn lúc nào hết, bên cạnh các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, các nghệ sĩ nên ý thức về vai trò của người nổi tiếng, cần chuyển tải những thông điệp có lợi cho cộng đồng và xã hội.
Trong trường hợp MV mới của Sơn Tùng, thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, sẽ có hướng xem xét xử lý các nội dung gây tác hại xấu, cụ thể nếu Sơn Tùng M-TP không dừng việc phát hành, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Biểu diễn nghệ thuật sẽ yêu cầu YouTube can thiệp gỡ MV.