Nghề sáng tạo nội dung số: Đừng chỉ quan tâm đến câu view

(DNTO) - Bên cạnh những kênh có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội thì nhiều năm nay, Youtuber, Tiktoker hay Facebooker đã trở thành một “nghề kiếm sống” hấp dẫn. Sự cạnh tranh không lành mạnh khiến nó trở thành vấn nạn, gây ra những tác động rất xấu.
Sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực truyền thông bằng những công nghệ mới đã mang đến nhiều lợi thế, cơ hội cho con người. Trong nhiều nền tảng mạng xã hội thì YouTube, Tiktoke… với tính năng ưu việt, khả năng đáp ứng nhiều loại nhu cầu của người dùng; cộng với sự dễ dàng, nhanh chóng trong việc truy cập, chia sẻ khiến các nền tảng này ngày càng được người dùng yêu thích.
Thêm nữa, từ khi YouTube tổ chức trao nút play Bạc, Vàng, Kim cương… lợi nhuận mà mạng xã hội này mang lại hằng năm từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng càng trở nên hấp dẫn các “nhà sáng tạo” (YouTuber, Tiktoker).
Không thể phủ nhận sự nỗ lực, sáng tạo, việc đầu tư thời gian, công sức của đội ngũ YouTuber,Tiktoker khiến rất nhiều kênh Youtube, Tiktoke đã thành công đáng kể trong việc truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng và ghi dấu ấn đặc biệt của mình trong các hoạt động xã hội. Nhiều kênh làm cầu nối rất hiệu quả giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh bất hạnh. Nhiều video trên YouTube, Tiktoke có nội dung bổ ích, giúp người dùng mở mang hiểu biết, thỏa mãn nhu cầu giải trí lành mạnh, mang lại niềm vui…

Trang Cuộc sống hằng ngày của người dân châu Phi trên YouTube của Phạm Quang Linh thu hút rất đông người theo dõi
Trong những năm dịch bệnh Covid-19, nhiều kênh YouTube đã làm rất tốt nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men vật tư y tế… làm cầu nối nối giữa các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức y tế, các bác sĩ để kịp thời tư vấn cứu chữa bệnh nhân… Góp phần thông tin tình hình dịch bệnh, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Trung thành với mục đích thiện nguyện, đã giúp đỡ hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn bất hạnh tính đến thời điểm này phải kể đến YouTube Phong Bụi. Đặc biệt chủ kênh Lê Văn Phong còn tham gia giải cứu nhiều người Việt bị bán vào các sòng bài tại Campuchia.
"Cuộc sống hằng ngày của người dân châu Phi" được kênh YouTube của vlogger Phạm Quang Linh ghi lại đã nhận rất nhiều sự ủng hộ từ người dùng. Đặc biệt hiện tượng Lôi Con, cậu bé người Angola, còn gây sốt trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Mới đây chàng trai ở Thái Nguyên của Đồng Văn Hùng lọt top Forbes 30 Under 30 châu Á với trang YouTube "Ẩm thực mẹ làm" chinh phục trái tim của người xem qua những thước phim bình dị về người mẹ với các món ăn thôn quê gắn bó với ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kênh Youtube, Tiktoke có định hướng phát triển rõ ràng, bền vững, tạo giá trị, nội dung tích cực vẫn còn không ít "hot" Youtuber, Tiktoker xuất phát từ lòng vị kỷ, lợi ích bản thân, đặt tham vọng nổi tiếng lên hàng đầu, bất chấp tai tiếng.
Đề tài của họ rất “phong phú”. Họ tập trung khai thác từ đám ma, đám cưới đến tai nạn, hỏa hoạn, ẩu đả, đánh ghen; Các sự kiện giật gân, phản cảm, sử dụng ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu, hình ảnh nhảm nhí, lố lăng, thiếu văn hóa, chê bai, hạ bệ người khác.
Nhiều kênh lợi dụng sự nghèo khó, thiếu hiểu biết của nhân vật, khai thác các câu chuyện hoàn cảnh gia đình được cho là “độc lạ” như: Một vợ sống cùng lúc với hai chồng, thiếu nữ bị bố dượng hãm hiếp mang thai làm mẹ ở tuổi 13 hay phụ nữ bị tâm thần có chữa hoang, sinh con v.v… “Nạn nhân” bị dẫn dắt bằng những câu hỏi có tích chất “móm cung”, nhiều trường hợp họ không được che mặt.

Sự theo sát đến mức phiền lụy thật đáng chê trách
Họ lợi dụng sự việc thương tâm đánh động lòng trắc ẩn của người xem như đưa lên hình ảnh người bệnh hấp hối chằng chịt dây nhợ, người chết đang tẩn liệm… Hay những hiện tượng xã hội gợi lên sự chú ý, tò mò, tranh cãi trong dư luận như hiện tượng Phương Hằng và những nhân vật liên quan.
Đặc biệt là “săn đám ma”. Điển hình từ đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh, hàng trăm YouTuber, Facebooker, TikToker... đã gây náo loạn trong khi chụp ảnh, quay phim, đưa tin (không ít tin thất thiệt). Sau đó một thời gian dài, họ còn bám theo gia đình nghệ sĩ khai thác vô tội vạ làm những người thân của ông lao đao, khổ sở.
Để tăng tương tác một cách nhanh chóng, họ sẵn sàng nghĩ ra những tiêu đề giật gân và hình ảnh gây sốc, thậm chí nội dung và hình ảnh chẳng liên quan gì với nhau. Miễn sao "câu" càng nhiều view càng tốt là quan điểm “làm nghề” của một số "hot" Tiktoker, Youtuber hiện nay.
Nổi bật nhất gần đây là sự theo chân ông Thích Minh Tuệ của các YouTuber, Facebooker, TikToker. Tất nhiên, nhiều người quan tâm đến "hiện tượng Thích Minh Tuệ" sẽ có thêm thông tin đầy đủ hàng ngày về ông chính là nhờ những người "sáng tạo nội dung số" này nhưng họ cũng trực tiếp làm phiền không chỉ đến sự riêng tư mà cả trên con đường tu tập của ông, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Bên cạnh kêu gọi tinh thần tự giác, cái tâm thiện của các chủ kênh Youtube, Tiktoke cùng với việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật thì cái quan trọng là người xem phải tỉnh táo chọn lọc thông tin, phân biệt chính xác đâu là giả-thật, tốt-xấu. Các nhân vật được khai thác hãy sáng suốt không để bị dẫn dắt, làm xấu đi hình ảnh của cá nhân và gia đình mình.