Ngành du lịch lại 'ngồi trên lửa'
(DNTO) - Sau những diễn biến phức tạp của đại dịch, khả năng phục hồi của ngành du lịch vào đợt cao điểm hè tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch như đang "ngồi trên đống lửa" khi dịch Covid-19 tái bùng phát vào đúng dịp lễ 30/4 - 1/5. Từ trước lễ, làn sóng hủy tour đã nhen nhóm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà làm tour.
Lượng khách du lịch nội địa đặt tour dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 và du lịch hè 2021 tăng đột biến khi dịch Covid-19 được kiểm soát khá tốt ở Việt Nam. Vài ngày trước kỳ nghỉ lễ, các tour du lịch đã đóng sớm, một số khách sạn không thể nhận khách vì hết phòng, một số khu, điểm du lịch lượng khách đông ngoài dự kiến…
Cả ngành du lịch hồ hởi mong chờ một mùa du lịch bội thu, “đánh thức” những khách sạn, điểm du lịch đã “ngủ đông” quá lâu. Không ngờ, diễn biến dịch rất xấu ở Ấn Độ, Campuchia và một số nước khiến cho nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép.
Ghi nhận tại nhiều công ty du lịch ở TP. HCM, các đoàn khách đi tour dịp lễ 30/4 đã hoàn tất, một số đoàn khách còn lại sẽ kết thúc lịch trình trong vài ngày tới. "Dự kiến trong những ngày tới, chúng tôi sẽ phải xử lý cho khách dời hoặc hủy tour", ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, không giấu nỗi lo lắng khi trao đổi với báo chí.
Thời điểm tháng 5 là lúc mà các công ty lữ hành du lịch bắt đầu triển khai nhiều chương trình kích cầu cho đợt hè 2021, với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, các nhà làm tour vẫn đang dè chừng với những kế hoạch.
Đa số các đoàn khách của các cơ quan, đơn vị (chiếm khoảng 20-30% tổng số lượng khách) đã thông báo huỷ tour. Nhiều trường hợp khách chuẩn bị đi dịp hè đã tạm dừng. Với những trường hợp huỷ, các doanh nghiệp du lịch đều hoàn trả tiền tour, riêng tiền vé máy bay thì thực hiện theo chính sách của hàng không trước khi ký hợp đồng.
Liên tục cảnh giác với dịch bệnh và thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch vì hơn ai hết những người làm du lịch hiểu rằng, để bùng phát, lây lan dịch trong cộng đồng, ngành du lịch sẽ phải hứng chịu hậu quả đầu tiên. Với việc xuất hiện tình huống bất ngờ như thế này cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ… để giải quyết hợp tình, hợp lý yêu cầu, quyền lợi giữa các bên, nhất là chuyện hoãn, huỷ dịch vụ trong trường hợp bất khả kháng.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: Các địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo thành quả chống dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và du khách.