Năm mới, giá phạt mới
(DNTO) - Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới - Ngày 1/1/2025 - cũng là thời điểm mà một số luật có hiệu lực thi hành. Trong đó được người dân đặc biệt quan tâm là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Đồng thời các quy định xử phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP liên quan đến Luật môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, vào hôm nay cũng sẽ được “xé nháp”.
Giao thông và môi trường là hai vấn đề được quan tâm bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân. Đặc biệt bắt đầu từ hôm nay, nó còn liên quan đến ngân sách gia đình do các mức phạt áp dụng được cho là rất “khủng”.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phạt nặng để răn đe
Theo cơ quan chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra phần lớn là do các vi phạm trật tự an toàn giao thông - vô tình hay cố ý. Vì thế, để kéo giảm TNGT bên cạnh việc giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, Chính phủ ban hành nghị định 168 với các mức phạt đủ mạnh nhằm răn đe và phong ngừa và cảnh tỉnh với những ai xem thường việc chấp hành luật giao thông đường bộ.
Cụ thể các nhóm hành vi thường gặp với mức phạt theo quy định mới được cho là rất “khủng”. Đó là: 1/Dùng biển số giả, che biển số, cản trở người thi hành công vụ. 2/ Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. 3/Đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc… cùng một số vi phạm khác.
Có những hành vi vi phạm, mức phạt tiền tăng gấp từ 10 đến 20 lần so với trước. Đặc biệt là với hành vi cố tình coi thường tính mạng người khác. Cụ thể, đối với mô tô, phạt từ 4-6 triệu đồng cho các trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn, mô tô vào cao tốc, đi ngược chiều. Phạt từ 8-10 triệu đồng cho các trường hợp lái xe lạng lách, gây tai nạn bỏ chạy.
Với ô tô khi vi phạm, mức phạt “giao động” từ 4 – 50 triệu đồng.
Để kéo giảm TNGT - mối lo thường trực của người dân, việc áp dụng các mức phạt tăng nặng với các trường hợp vi phạm luật giao thông có hiệu lực từ 1/1-/2025 được đại bợ phận người dân đồng tình. Tuy nhiên theo một số chuyên gia vẫn cần kết hợp hài hòa giữa giáo dục tuyên truyền và xử phạt. Đồng thời, không nên áp dụng “cứng nhắc”, cần lắng nghe và đánh giá từng trường hợp cụ thể một cách khách quan để bảo đảm tính công bằng và nhân văn. Về phía người thi hành công vụ cần tăng cường giám sát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng tiêu cực, chia chát…
Không phân loại rác phạt đến 1 triệu đồng
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và áp dụng các mức xử phạt bằng tiền nếu vi phạm… không phải mới. Luật đã có hiệu lực từ 2022. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, điều kiện, khách quan và chủ quan cho đến nay, việc phân loại rác từ hộ gia đình vẫn chưa thực sự quen thuộc với người dân.
Kề từ 1/1/2025, với quyết tâm, kiến tạo một môi trường xanh sạch đẹp, chính phủ đã cho áp dụng mức xử phạt đối với các trường hợp cụ thể như sau: Không phân loại, không sử dụng bao bì các trường hợp vứt rác thải nơi công cộng bị phạt tiền 500 – 1.000.000 đồng. Vứt rác xuống hệ thống thoát nước hoặc kênh rạch sống hồ phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Các trường hợp khác mức phạt phổ biến là 500.000 đồng.
Với mức phạt trên, đa số người dân tỏ ý băn khoăn vì cho rằng rất khó thực hiện nhất là người dân lao động nghèo nhà cửa chật chội hoặc các phòng trọ. Tuy nhiên cũng không ít người ủng hộ, đồng tình, cho rằng việc phân loại rác nằm ở ý thức và trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội và đất nước. Nhưng với những ai ý thức và trách nhiệm không đủ lớn thì cũng nên áp dụng phạt nặng để hình thành thói quen như thói quen đội nón bảo hiểm vậy.
Phân loại rác tại nguồn là một việc làm tuy “khó” nhưng không thể nói “không”. Việc phân loại rác thải góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ trái đất.
Phân loại rác thải tại nguồn là nhiệm vụ thiết thực của mỗi công dân. Đừng để mất tiền phạt uổng phí.