Nadiah Wan, bậc nữ lưu ngành y thời hậu đại dịch

(DNTO) - Trong một thế giới hậu đại dịch, Nadiah Wan đã thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế mở rộng tại TMC Life Sciences, trung tâm khoa học đời sống của Malaysia, biến nơi đây thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu trong khu vực.
Với nhiều giường hơn, phòng khám mới mẻ và dịch vụ y tế mở rộng, nữ CEO Nadiah Wan đang củng cố vị thế của công ty như một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Malaysia nói riêng và trong khu vực nói chung. Tính đến nay, Wan đã điều hành TMC Life Sciences tròm trèm hai năm, kể từ khi đại dịch hoành hành hồi đầu 2020.

Nadiah Wan trong ấn phẩm của tạp chí Forbes. Ảnh Forbes
Ngày ấy, gần như chỉ sau một đêm, biên giới Malaysia đóng cửa, cắt đứt dòng chảy của nhóm bệnh nhân quốc tế, nguồn thu nhập béo bở cho chuỗi bệnh viện ở xứ này giữa tình trạng hạn chế đi lại, hủy bỏ các cuộc hẹn thăm khám lẫn các ca phẫu thuật đăng ký tự chọn.
Không chịu bó tay, Nadiah Wan nhanh chóng định hướng lại, triển khai các kế hoạch mở rộng với tham vọng cao trước tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Giờ đây, khi Covid-19 đã hạ nhiệt, vị nữ giám đốc điều hành 38 tuổi có cơ hội tiếp tục hành trình đã bị khựng lại vì dịch. Đó là thực hiện tiếp tham vọng đưa TMC trở thành một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất ở Đông Nam Á.
Lúc này Wan cũng đang tất bật giám sát công trình mở rộng bệnh viện hàng đầu Thomson thuộc chuỗi liên hợp TMC Kota Damansara. Việc nâng cấp bệnh viện tư này sẽ tăng gấp ba số giường, đủ khả năng phục vụ 600 bệnh nhân. Cơ sở cũng tăng cường thêm nhiều dịch vụ, bao gồm các phương pháp điều trị sinh sản đẳng cấp thế giới, một trung tâm ung thư mới và nhiều phòng khám ngoại trú chuyên khoa.
Sự tăng trưởng đó cũng sẽ tạo động lực thăng tiến cho công ty mẹ của TMC, Thomson Medical, có trụ sở niêm yết tại Singapore vốn sở hữu 70% cổ phần của TMC Thomson Medical, và do tỷ phú người Singapore Peter Lim kiểm soát.
Tuy nhiên theo Nadiah Wan nhận định, sự khác biệt là chính đại dịch đã mang lại một tư duy mới cho ngành chăm sóc sức khỏe. Với cô, những gì Covid-19 đem đến hóa ra đã giúp rất nhiều người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhận thức một điều, đó là mỗi người cần phải thích nghi và năng động hơn. Theo Wan, chăm sóc sức khỏe là một ngành rất ít rủi ro, nhưng với đại dịch Covid-19 đơn giản là không có sự lựa chọn nào khác. Do đó tất cả phải đi trước một bước bằng bất cứ nguồn lực nào có được.

Bệnh viện Thomson hàng đầu của TMC Life Sciences Kota Damansara ở Kuala Lumpur. Ảnh Zakee Man Studio
Vào những tháng đầu tiên đại dịch hoành hành, lợi nhuận ròng ở TMC giảm 43% xuống còn 13 triệu ringgit (3 triệu USD) trong 10 tháng, tính đến tháng 6 năm 2020. Hoạt động kinh doanh mảng hỗ trợ sinh sản của TMC đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái của toàn ngành du lịch chữa bệnh. Doanh thu từ bệnh nhân quốc tế, vốn chiếm khoảng 15% trước đại dịch, đã giảm mạnh vì việc hạn chế đi lại và kiểm dịch trong toàn khu vực.
Thế nhưng dần dà theo đà dịch hạ nhiệt TMC đã có biểu đồ phục hồi ổn định. Số lượng bệnh nhân nay đang trở lại ngang mức trước đại dịch khi nhu cầu về dịch vụ sinh sản và bệnh viện tăng lên, cùng với lượng khách du lịch y tế ngày càng khởi sắc kể từ khi biên giới Malaysia mở cửa trở lại hoàn toàn hồi tháng 4.
Trong chín tháng đầu tiên của năm tài chính kết thúc vào tháng 3, lợi nhuận ròng của TMC đã tăng 9%, lên 18 triệu ringgit, trong khi doanh số bán hàng tăng 17%, lên 173 triệu ringgit. Cổ phiếu công ty phục hồi ở mức trước đại dịch, đạt 0,8 ringgit vào tháng 3 năm 2021. Dẫu vậy gần đây cũng đã giảm 1/3 do ảnh hưởng liên đới từ sự bất ổn toàn cầu.
Tuy nhiên, trong tương lai TMC sẽ được hưởng lợi từ các xu hướng vĩ mô, bao gồm khuynh hướng chuyển đổi nhân khẩu học của Malaysia sang dân số già, và từ nỗ lực tích cực định vị mình là công ty dẫn đầu thị trường với lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Thêm vào đó, việc phục hồi hoạt động kinh doanh sinh sản và bổ sung thêm giường cho Bệnh viện Kota Damansara càng đẩy nhanh đà tăng trưởng ấy, bất chấp việc đầu tư đáng kể vào thiết bị mới sẽ tác động ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng trong một vài năm.


Chi phí y tế tại Malaysia và Đông Nam Á. Nguồn Forbes
Theo công ty dữ liệu Statista, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ở Malaysia dự kiến sẽ tăng 26%, từ 16 tỷ USD năm nay lên 20 tỷ USD vào năm 2025, và đạt 176 tỷ USD ở Đông Nam Á trong cùng thời kỳ. Để khai thác nhu cầu dịch vụ y tế đó, năm ngoái TMC đã mở hai phòng khám, một cho khoa dạ dày và trào ngược thực quản và một dành chăm sóc nhịp tim, nâng tổng số phòng khám chuyên khoa ngoại trú lên con số 154.
Riêng tại Singapore, TMC đang xây dựng một trung tâm y tế tích hợp bao gồm bệnh viện cấp cao 500 giường, tháp y tế và trung tâm bán lẻ, tất cả dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2028.
Tuy nhiên, Wan kỳ vọng kế hoạch tái sản xuất có hỗ trợ sẽ vẫn là trụ cột trong các dịch vụ của công ty, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 40% doanh thu. TMC cũng là công ty tiên phong đầu tiên trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn ở Malaysia với sáu trung tâm sinh sản trên khắp đất nước. Nơi đây hiện đang giữ kỷ lục quốc gia về số lượng trẻ sơ sinh thụ thai trong ống nghiệm cao nhất mà chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất.
Trong khi thị phần của Malaysia trong ngành du lịch y tế, trị giá 362 triệu đô la vào năm 2019, chỉ là một phần nhỏ so với thị trường 8,6 tỷ đô la của Thái Lan, TMC vẫn được cho là đã tạo ra một vị trí nhất định với số lượng cao các bệnh nhân nữ đến từ Trung Quốc, Indonesia và Singapore. Theo Wan, khách hàng quốc tế đang bị thu hút bởi sự gần gũi và các dịch vụ chất lượng cao trong thụ tinh ống nghiệm và đông lạnh trứng của TMC. Cô cũng tự hào về khả năng đào tạo các chuyên gia sinh sản cho khu vực của công ty mình.
Nadiah Wan tốt nghiệp Đại học Harvard ngành khoa học sinh hóa, rồi lấy bằng thạc sĩ về dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London. Học xong cô tới Kuala Lumpur để làm việc với Tập đoàn Tư vấn Boston. Sau hai năm ở đó, Wan làm việc thêm 5 năm nữa với Trung tâm Y tế Sunway của Malaysia, trở thành giám đốc điều hành của các dịch vụ lâm sàng, trước khi gia nhập TMC vào năm 2017.

Hậu đại dịch, Nadiah Wan đã thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế mở rộng tại TMC Life Sciences, trung tâm khoa học đời sống của Malaysia. Ảnh Forbes
Wan cũng tâm sự, chính niềm đam mê dành cho chăm sóc sức khỏe đã thúc đẩy cô khám phá các con đường phát triển khác nhau, đặc biệt là công nghệ sức khỏe, làm tiền đề xây dựng nên một doanh nghiệp bền vững. Thomson Medical, nơi Wan là giám đốc điều hành, vào năm 2020 đã thành lập một chi nhánh mới có tên Thomson X để hợp tác với các công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế như WhiteCoat có trụ sở tại Singapore.
Cả hai đã cùng bắt tay thực hiện một ứng dụng dành cho bệnh nhân sản, phụ khoa và nhi khoa của tập đoàn. Sự hợp tác được hứa hẹn là sẽ khai sinh những khả năng bắt tay khác với khu vực bệnh viện công, cũng như xây dựng một nền tảng y tế tích hợp tập trung vào sức khỏe tinh thần của bệnh nhân và chăm sóc phòng ngừa.