'Mùa Trung thu, thị trường đang ở trạng thái nhân Lava tan chảy'
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đang ngày càng khó đoán định hơn, giống như nhân bánh Trung thu Lava ngầm tan chảy bên trong nhưng nhìn bên ngoài không thể nhận ra được, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) ví von.
'Mọi thứ đang lờ mờ"
Trạng thái khó đoán định mà vị chuyên gia nhận định trên thể hiện rõ nét tại phiên giao dịch hôm nay, 31/8, phiên giao dịch cuối cùng trước một kỳ nghỉ lễ dài ngày. Thị trường lình xình "nửa xanh nửa đỏ" và đặc biệt, thanh khoản giảm sâu chỉ còn hơn 15 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, riêng HoSE chỉ còn hơn 12 ngàn tỷ đồng.
Vn-Index chỉ tăng nhẹ hơn 1 điểm, thị trường kém sôi động. Dường như nhà đầu tư đã nghỉ lễ sớm. Tuy nhiên nhìn về chiều sâu thị trường, chuyên gia SSI nhận định trong chương trình trao đổi về chứng khoán diễn ra hôm nay: "Mọi thứ đang lờ mờ và khó cho nhà đầu tư".
Theo ông, hiện đã có sự thay đổi trong quan điểm đầu tư chứng khoán trên thế giới. Với chứng khoán Mỹ, một thị trường được cho là tác động nhiều nhất đến thị trường trong nước, theo quan điểm của nhà đầu tư thường có sự trái ngược với diễn biến các thông tin của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ví dụ có thể tin xấu hôm nay lại là cơ hội cho tin tốt thời gian tới và ngược lại. Tuy nhiên, sau bài bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, tại Jackson Hole thì tình hình đã thay đổi. Nếu trước đây, chứng khoán Mỹ chỉ rung lắc một phiên, nhưng hiện giờ đã có tới ba phiên chưa hết.
Hiện tại, các yếu tố vĩ mô trong nước đang khá tích cực, có thể nhìn thấy sự tăng trưởng tốt trong quý 2, thậm chí nhiều ngành tăng trưởng tới hai con số. Do đó, chứng khoán Mỹ sẽ khó tác động đến thị trường trong nước. Mặc dù vậy theo chuyên gia, thị trường "Có thể sẽ có sự thay đổi mà chúng ta chưa biết", giống nhân Trung thu Lava trứng muối ngầm chảy bên trong mà nhìn ngoài không thấy được.
Ngành đường sẽ hưởng lợi
Trong câu chuyện mùa Trung thu, những cổ phiếu ngành đường được vị chuyên gia nhận định sẽ được hưởng lợi thời gian tới.
Nguyên nhân thứ nhất do chính sách áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu từ tháng 8 năm nay đến tháng 6 năm 2026. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng này, cũng như các hoạt động sản xuất đường trong nước. Các doanh nghiệp đường sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Ngoài ra ngành đường cũng được hưởng lợi khi nhu cầu đường trên thế giới tăng cao, nhưng nguồn cung hạn chế. Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, hiện đang trong tình trạng hạn hán nên nguồn cung kém, do đó lợi nhuận ngành này sẽ được cải thiện.
Trước đó, SSI đã có báo cáo nhận định về ngành đường. Theo đó, công ty này ước tính giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ. Giá đường trong nước kỳ vọng sẽ tăng tương đương do nguồn cung trong nước thiếu hụt. "Chúng tôi dự đoán giá đường trong nước sẽ tăng lên mức19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại", SSI cho biết.
Công ty này cũng khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS, với giá mục tiêu 59.800 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 23%, và ROI là 29%.