Hạn hán kỷ lục tại Trung Quốc, cơ hội cho nhóm chứng khoán nào?
(DNTO) - Tình trạng hạn hán tại Trung Quốc đang được nhận định sẽ trở thành thông tin tức cực với nhiều nhóm ngành cổ phiếu trong nước như lương thực, bất động sản công nghiệp hay hóa chất.
Đợt hạn hán lịch sử tại nền kinh tế thứ hai thế giới
Sau nhiều thông tin xấu như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng hai năm qua trong nỗ lực không ngừng nghỉ với chính sách zero Covid, cùng đó là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện còn phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do hạn hán.
Nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Dương Tử, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam, khu vực được cho sản xuất tới 3/4 nguồn thủy điện của nước này. Đây cũng là nơi có nhiều trung tâm công nghiệp lớn, trong đó có thành phố Trùng Khánh.
Tình trạng hạn hán tại Trung Quốc đang khiến cho việc sản xuất lương thực gặp nhiều khó khăn. Theo New York Time, giá lương thực tại Trung Quốc lên cao hơn, đặc biệt là đối với trái cây và rau quả. Giá một loại bắp cải đã tăng gấp đôi tại Vũ Hán so với trước. Những vườn mận và táo của Tứ Xuyên, loại cây phải mất tới 5 năm mới có thể cho thành quả, đứng trước nguy cơ khô hạn.
Cũng theo tờ báo này, Trung Quốc đã cắt giảm một nửa công suất phát điện thủy điện của Tứ Xuyên. Cùng đó, Trung Quốc phải cắt điện công nghiệp để đối phó với tình hình khan hiếm điện. Và điều này đang làm ảnh hưởng đến hoạt động các nhà máy, cụ thể, hãng Volkswagen đã phải đóng cửa nhà máy với khoảng 6.000 nhân viên ở Thành Đô trong tuần rưỡi qua. Hãng Toyota tạm ngừng hoạt động tại nhà máy lắp ráp. Foxconn, nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới, cũng phải cắt giảm sản xuất.
Ngày 24/8 vừa qua, nước này đã khẩn cấp đã công bố khoản trợ cấp 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,45 tỷ đô la) để hỗ trợ nông dân giảm bớt tác động của hạn hán. Ngoài ra nước này còn có một loạt chính sách như bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ cho các ngân hàng chính sách dành cho dự án cơ sở hạ tầng,500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt cho các chính quyền địa phương hay 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu cho các doanh nghiệp điện quốc doanh khi tình trạng hạn hán đang không mấy được cải thiện.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, những con số tên là quá ít ỏi chưa đủ sức vực dậy nền kinh tế nước này.
Bất động sản khu công nghiệp, hóa chất hay lương thực hưởng lợi nhiều?
Mặc dù vậy, khó khăn hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc lại được nhận định sẽ ở ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành trong nước.
Theo ông Thái Hữu Công, chuyên gia phân tích cao cấp, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBS), "hạn hán là thông tin tiêu cực với Trung Quốc nhưng với các ngành như bất động sản khu công nghiệp, hóa chất là thông tin tích cực".
Ông lý giải, việc Trung Quốc thiếu điện đang ảnh hưởng đến các xưởng sản xuất xe hơi lớn, nên Việt Nam có lý do hơn nữa để chờ đợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ nước này về trong nước. "Các quyết định dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam quyết liệt hơn nên sẽ ảnh hưởng đến bất động sản khu công nghiệp", ông Công nhận định. Do đó, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ hút được nhiều lợi thế.
Sau nhóm ngành này là nhóm ngành hóa chất. Hiện tại, quá trình sản xuất phốt pho vàng tiêu tốn nhiều năng lượng, nhu cầu điện năng lớn. Và điều này có thể khiến sản lượng phốt pho vàng của Trung Quốc kém đi và sẽ tác động đến thị trường giá phốt pho vàng trên toàn thế giới. Mặt hàng này thời gian vừa qua đã tăng tích cực, lên mức 32.000 nhân dân tệ/tấn. Ngày 17/8, tại Trung Quốc, mặt hàng này có giá là 30.000 nhân dân tệ/tấn (4.428 USD/tấn), tăng gần 7% so với ngày trước đó vào với đầu tháng 8, tăng hơn 13%.
Theo chuyên gia KBS, giá phốt pho tăng lên sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành phốt pho vàng được hưởng lợi. Biên lợi nhuận các doanh nghiệp trong nhóm ngành sẽ tích cực, ông nhận định.
Ngoài các nhóm ngành trên, nhóm cổ phiếu ngành gạo cũng đã có dấu hiệu tăng trong vài phiên giao dịch qua và được nhiều chuyên gia nhận định có nhiều triển vọng. Hiện tại, hơn 95% lượng gạo, lúa mì và ngô tiêu thụ trong nước được sản xuất trong nước, do đó khi sản xuất lương thực bị suy giảm, đồng nghĩa nước này sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh nguồn cung lương thực toàn cầu - vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.