Một tài năng, nhân cách lớn trong làng văn chương đã ra đi
(DNTO) - Nhà văn Vũ Hạnh, một tên tuổi gạo cội trong làng văn chương, báo chí Sài Gòn-TP.HCM đã từ trần vào lúc 6g ngày 15/8 sau những ngày nhập viện điều trị do tuổi cao, sức yếu. Ông ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè, độc giả vì những cống hiến cho văn chương và một nhân cách đáng quý.
Trên trang cá nhân, đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy đã viết những dòng chia tay nhà văn Vũ Hạnh với sự trân trọng: "Nhà văn Vũ Hạnh đã vĩnh biệt chúng ta sáng nay, 15/8/2021, thọ 96 tuổi. Vĩnh biệt một nhân cách lớn, một cổ thụ trong làng văn chương, báo chí Sài Gòn, TP.HCM và cả nước. Xin chia buồn cùng gia quyến".
Nhà văn Vũ Hạnh lúc sinh thời được nhiều bạn bè, độc giả yêu mến vì tài năng cũng như những đóng góp của ông trong làng văn với nhiều tác phẩm văn học được đánh giá cao. Ông tham gia Việt Minh từ những năm 1945, hoạt động trong Đội Võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia Đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975 - 1985, nhà văn Vũ Hạnh giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, Ủy viên thường vụ Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM.
Nhà văn Vũ Hạnh được nhiều độc giả biết đến với tác phẩm Bút máu (sáng tác năm 1971), được xem là tuyên ngôn nghệ thuật cho nghiệp cầm bút của ông. Truyện ngắn gây tiếng vang lớn vì đã mượn chuyện xưa, lên án những bồi bút Sài Gòn, đồng thời vạch trần những hành động tàn ác, giả dối của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Bên cạnh đó, ông cũng để lại gia tài văn học với nhiều tác phẩm nổi tiếng khác ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học, kịch, hồi ký, tiểu luận: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995).
Tập truyện ngắn (NXB Văn học, 2007), tiểu thuyết Lửa rừng (1972), Người nhà Trời (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, tháng 9/2020)
Ở thể loại kịch có: Người chủ tiệm (kịch bản); Một giấc chiêm bao (kịch bản); Thưa biết rồi (kịch bản).
Hồi ký: Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000).
Trong đó, đặc biệt tiểu luận Người Việt cao quý (1965) mang bút hiệu một người Italia là A. Pazzi, có nghĩa là bất di không thay đổi lập trường. Sau Hiệp định Paris được ký kết, tác giả đổi tên thành “Người Việt kỳ diệu” cũng của A.Pazzi mà Vũ Hạnh làm dịch giả.
Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007.
Nhận xét về nhà văn Vũ Hạnh, trong một cuộc toạ đàm về ông, nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đã khẳng định "Một nhà văn - chiến sĩ Vũ Hạnh mà cuộc đời và văn nghiệp của ông chính là biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc. Tinh thần văn hóa ấy mang bản sắc Việt rất đậm nét, được hun đúc lên từ nhiều ngàn đời, nó thấm đẫm màu sắc nhân văn nhưng cũng đầy tự tôn, tự cường và cầu thị".
Trong những năm gần đây, dù tuổi cao nhưng nhà văn vẫn cần mẫn viết và thường sinh hoạt cùng với các đồng nghiệp trẻ để trao đổi, nắm bắt các vấn đề về đời sống.
Nhà Văn Vũ Hạnh sinh ngày 15/7/1926. Ông tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ra trong một gia đình nho học. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3/1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.
Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.
Học xong tú tài đôi ở Huế thì Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nhà văn Vũ Hạnh về quê tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đội Võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia Đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V.
Sau Hiệp định Genève, do hoạt động đòi hiệp thương thống nhất nên ông bị địch bắt. Cuối năm 1956, ông được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cách mạng. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với bút danh Hoàng Thanh Kỳ.
Năm 1966, ông là Tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc - tổ chức của giới trí thức yêu nước, tiến bộ ở miền Nam. Ông là chiến sĩ cách mạng hoạt động công khai đơn tuyến trong lòng địch. Thỉnh thoảng ông vào mật khu báo cáo và nhận chỉ thị. Ông đã bị địch bắt giam tổng cộng 5 lần.
Trong lần bị bắt đầu tiên kể từ lúc vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, ông đã được đại tá Phạm Ngọc Thảo - Tỉnh trưởng Kiến Hòa - can thiệp để sớm được trả tự do. Hồi đó nhà văn Vũ Hạnh không biết đại tá Thảo là điệp viên của cách mạng hoạt động trong lòng địch.
Năm 1969, nhà văn Vũ Hạnh nhận được chỉ thị về mật khu để kết nạp Đảng, sau đó sẽ giữ chức Bộ trưởng Bộ VHTT của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thế nhưng một ngày trước khi ra mật khu, nhà văn Vũ Hạnh đã bị địch bắt.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1975 - 1985, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, Ủy viên thường vụ Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM.
Theo Thư viện của nhà văn Triệu Xuân