Thương tiếc nhà văn trào phúng đậm chất Sài Gòn
(DNTO) - Nhà báo - nhà văn Lê Văn Nghĩa, một giọng văn trào phúng quen thuộc được nhiều bạn đọc yêu mến với nhiều biệt danh như Hai Cù Nèo, Điệp viên Không Không Thấy... đã rời cõi tạm sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm ác. Ông ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho độc giả và bạn bè.
Với nhiều độc giả yêu thích thể loại văn trào phúng, nhà văn Lê Văn Nghĩa là cái tên quen thuộc đã ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm về đề tài châm biếm, cùng phong cách định hình với cách viết hài hước, hóm hỉnh nhưng không kém phần tình tự qua các tác phẩm như: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (tạp bút 2008), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020); Mùa hè năm Petrus (2012)…
Không chỉ nổi tiếng với ngòi bút châm biếm qua các bút danh Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Hoa hậu phường Cây Mít, Điệp viên Không Không Thấy... một thời gian dài trên Báo Tuổi Trẻ Cười, Lê Văn Nghĩa còn là cây bút tái hiện những hình ảnh một thời của Sài Gòn, cùng ký ức về thành phố, những kỷ niệm đẹp lứa tuổi học sinh gắn liền với những địa danh, con đường gắn bó với nhiều thế hệ độc giả từng yêu mến thành phố này.
Những năm gần đây, dù trong giai đoạn chiến đấu với bệnh tật, ông vẫn liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm mới: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020). Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020),...
Những ngày gần đây, NXB Tổng hợp đang chạy đua với thời gian và dịch bệnh để cho ra mắt hai tác phẩm đang in dang dở của ông: Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ, nhưng do tình hình dịch bùng phát, nên đã không kịp tới tay nhà văn trước lúc ông đi xa.
Bà Đinh Thanh Thuỷ - Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM bày tỏ nỗi buồn và sự tiếc nuối trên trang cá nhân: "Tụi em đã xác định làm bộ sách thật nhanh để anh kịp cầm trên tay. Lời Nhà xuất bản, em đã tự tay viết cho người anh thân thương, đáng kính! Tuy đã nhanh, mà vẫn bị chậm vì 2 tháng ròng rã làm việc trong điều kiện giãn cách do cơn đại dịch quái ác! Đêm qua đến hôm nay, tụi em vẫn đang cố gắng, cố gắng trong sự áy náy khôn cùng...".
Sinh thời, nhiều bạn bè biết đến nhà văn Lê Văn Nghĩa là người chân thành, luôn quan tâm đến bạn bè xung quanh. Với ông, dù được nhiều người dành tặng biệt danh "Nhà Sài Gòn học", nhưng Lê Văn Nghĩa vẫn tự trào nhẹ nhàng bởi ông luôn hồn nhiên sống, đi học và làm việc trong thành phố này, như một dòng chảy ngầm bất biến, chứ không định hình mình với những danh xưng như vậy.
Nhà thơ Lê Minh Quốc với sự thân thiết đã từng bày tỏ sự thán phục dành cho cây bút đàn anh: "Trông mặt mà bắt hình dong”, thành ngữ này có lẽ không đúng với nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ai đời cái mặt lầm lầm lì lì, rất tiết kiệm… tiếng cười lại là người nhộn ra phết. Suốt bao nhiêu năm xông pha trên trường văn trận bút, anh chỉ “chơi” một thể loại duy nhất: trào phúng.
Viết để người ta khóc - không khó, nhưng lấy được tiếng cười lại là điều không dễ. Không khéo, người khó tính lại bảo “cười nhạt như nước ốc”! Bất chấp, Lê Văn Nghĩa vẫn kiên trì trên hành trình tìm đến xứ cười của mình".
Có thể thấy, trên hành trình sáng tạo của mình, đem đến cho bạn đọc những tiếng cười trào lộng, châm biếm, dù đã rời vị trí làm báo nhiều năm nhưng Lê Văn Nghĩa vẫn bám sát các vấn đề thời sự cuộc sống. Hai tác phẩm cuối cùng của ông sắp đến tay bạn đọc vẫn là những gửi gắm về những vấn đề được nhiều người quan tâm.
"Duyên khởi với nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa từ bản thảo cuốn "Văn học Sài Gòn 1954-1975-Những chuyện bên lề". Thật tình còn bao nhiêu ấp ủ hai anh em đã bàn với nhau. Khi đón nhận bản thảo "Điệp viên Không Không Thấy", hai anh em trao đổi về việc tách tập, thống nhất không đánh số tập, rồi đặt thêm "cái đuôi" cho tựa sách thành "Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ", "Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng".
Khi chốt hợp đồng sử dụng tác phẩm, thì anh bảo đang ốm, ủy quyền anh Trần Văn Chánh thay mặt anh ký và đọc lại bản thảo" - bà Đinh Thanh Thuỷ, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM chia sẻ.
Theo thông tin từ gia đình, tang lễ nhà văn Lê Văn Nghĩa sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (TP.HCM). Tuy nhiên, do thành phố hiện đang trong thời điểm giãn cách chống dịch, nên những người yêu mến ông, những bạn đọc chỉ còn cách bày tỏ tình cảm với nhà văn trên các trang cá nhân, thay cho hình thức đến viếng trực tiếp.
Nhà văn - nhà thơ Lê Minh Quốc:
"Viết trào phúng là cuộc chơi không dễ. Nhà văn như kép hề diễn một vai hài, “đế” một câu hài trên sân khấu. Khi tính thời sự đi qua, liệu chừng những mẩu chuyện “cười ra nước mắt” ấy có còn “đứng” được trong trí nhớ bạn đọc hay không? Khó có thể nói trước một điều gì.
Lê Văn Nghĩa cũng biết trước điều đó nhưng vẫn tiếp tục “chơi”. “Chơi” sướng nhất chính là để chơi chứ không vì một ảo tưởng nào khác, đúng vậy không anh Nghĩa?".