Một doanh nghiệp về công nghệ có cổ phiếu tăng 70% trong tháng đang làm ăn ra sao?
(DNTO) - Trong một tháng, ITD đã tăng gần 70%, riêng trong năm phiên giao dịch gần đây cũng bật hơn 22%, nhờ "sóng" tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu ITD của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây khi ghi nhận mức tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Hồi đầu năm, cổ phiếu này còn diễn biến kém tích cực, chủ yếu đi ngang quanh mốc thị giá 10 ngàn đồng mỗi đơn vị, tuy nhiên từ đầu tháng 5 tới nay, ITD đã giao dịch khá khởi sắc, liên tục đi lên. Trong tuần vừa qua, ITD là một trong những cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán. Chốt phiên hôm nay, ngày 11/6, ITD đã giao dịch tại 17.550 đồng/cp, tương đương với mức tăng gần 70% trong một tháng.
Từ tháng 4, lãnh đạo NVIDIA đến Việt Nam và ký thoả thuận hợp tác với FPT về việc mở nhà máy về AI tại Việt Nam. Những kỳ vọng tích cực đã khiến nhóm cổ phiếu công nghệ được kích hoạt và bước vào sóng tăng mới, cho đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, nhiều cổ phiếu được hưởng lợi.
Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong là một đơn vị hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm: giao thông thông minh, tin học - viễn thông, sản xuất công nghiệp, điện, hạ tầng... ITD có hơn 24 triệu cổ phiếu được lưu hành, giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán đạt hơn 429 tỷ đồng. Trong đó, ban lãnh đạo và nhà đầu tư tổ chức hiện đang chiếm gần 30% cổ phần tại doanh nghiệp này, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm một lượng bé khoảng hơn 1%, theo dữ liệu từ FireAnt.
Theo báo cáo tài chính 2023 (kết thúc vào 31/3/2024) vừa công bố cho thấy bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp không mấy tích cực. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất của ITD rơi vào con số âm gần 40 tỷ đồng trong năm, trong khi năm 2022 lãi 23 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 260%. Riêng công ty mẹ lỗ gần 60 tỷ đồng, trong khi năm liền trước còn lãi hơn 4 tỷ đồng dù ghi nhận mức doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn đã kéo lợi nhuận ITD đi xuống. Cụ thể, theo ITD giải thích, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Điện Toàn Cầu, một công ty con của ITD, ký hợp đồng thực hiện dự án của VNG, giá trị hơn 573 tỷ đồng. Tuy nhiên ảnh hưởng từ hợp đồng này khiến doanh thu và giá vốn lần lượt giảm 287 tỷ đồng (tương ứng giảm 32%) và 302 tỷ đồng (tương ứng giảm 40%).
Ngoài ra, việc đầu tư vốn tại các công ty khác không mang lại hiệu quả, nguyên nhân đẩy doanh thu tài chính của công ty mẹ giảm 50% so với cùng kỳ. Các khoản trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi lớn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh doanh nghiệp.
Chuyện công nợ vẫn nóng với ITD trong nhiều năm qua. Khoản nợ xấu được doanh nghiệp liệt kê lên tới gần 100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, trong đó nhiều nhất là khoản nợ Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC lên tới gần 70 tỷ đồng. Hiện ITD đang tìm mọi cách để thu hồi khoản nợ.
Doanh nghiệp đã chính thức đệ đơn lên Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ với VETC và được toà chấp thuận yêu cầu khởi kiện, tuy nhiên kết quả có lẽ còn cần thêm thời gian.
Dù vậy còn không ít thách thức nhưng năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu 750 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, trong đó lợi nhuận công ty 25 tỷ đồng và chia cổ tức 8%. Ngày 27/6 tới đây, doanh nghiệp dự định tổ chức đại hội cổ đông và sẽ trình HĐQT phương án không chia cổ tức cho năm 2023.