Vàng hay chứng khoán?
(DNTO) - Trong bối cảnh giá vàng trong nước đi xuống, việc lựa chọn kênh đầu tư vàng hay chứng khoán à câu hỏi được khá nhiều người quan tâm.
Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng miếng SJC ngày 6/6 là 75,98 triệu đống/lượng, đồng thời cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Như vậy, tính đến hôm nay, giá vàng trong nước đã giảm gần 18% so với giai đoạn cao điểm, và so với vàng thế giới, mức chênh lệch ghi nhận chưa đến 4 triệu mỗi lượng, tương đương với mức lệch pha chỉ còn trên 5%.
Có thể thấy rõ hiệu quả từ những nỗ lực của NHNN trong việc thu hẹp mức chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới, qua đó bình ổn thị trường vàng, đồng thời góp phần hạ nhiệt tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Vàng giảm giá, người dân đổ xô đi mua vàng. Tâm lý nóng vội muốn sở hữu tài sản này với giá rẻ hơn trước đang kích thích người dân. Tuy nhiên, không ít người đã phải trải nghiệm cảm giác vàng cầm chưa nóng tay đã lỗ từ vài triệu đến hàng chục triệu mỗi lượng.
Kể từ khi NHNN bán vàng cho bốn ngân hàng thương mại để bán trực tiếp cho người dân, thị trường chứng khoán đã ghi nhận tới 3 phiên tăng điểm liên tiếp, nhiều nhất là ngày 3/6 với mức tăng hơn 18 điểm, cho đến hôm nay chỉ số này giảm nhẹ 0,79 điểm. Thị trường vẫn đang chờ đợi để chinh phục mốc 1.290 điểm.
Thanh khoản 4 phiên gần đây kể từ ngày 3/6, trung bình khoảng 24 ngàn tỷ đồng trên HoSE, một con số không phải quá cao nhưng cũng không quá thấp so với quá khứ.
Tính từ đầu tháng 5 tới nay, dù phải trải qua nhiều giằng co lình xình, chỉ số chung vẫn giữ xu hướng tăng và đã lấy lại hơn 70 điểm. Nhiều nhóm ngành đã bật tăng rõ nét như nhóm công nghệ, ngân hàng và gần đây là nhóm điện, thép. Xu hướng chốt lời khá rõ nét.
Cả hai kênh đầu tư đều đang đặt ra nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khá im ắng, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hấp dẫn, lãi suất ngân hàng ở mức nền thấp, chọn kênh đầu tư vàng và chứng khoán được nhiều quan tâm, dù đây là hai biến số với sự biến động lớn.
Phát biểu tại Diễn đàn Ứng biến trong vạn biến diễn ra hôm nay, ngày 6/6, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, cho biết, lạm phát và lãi suất đang có xu hướng giảm, áp lực tỷ giá theo đó cũng giảm. "Nếu đầu năm chúng tôi khuyến nghị gia tăng tỷ trọng vàng thì hiện tại, chúng tôi dùng từ "cẩn trọng"".
Theo lý giải của ông, vàng đang được nhìn qua hai lớp tài sản, vàng nhìn qua giá đồng đô la và qua tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, chênh lệch vàng trong nước và thế giới đang được xử lý quyết liệt. Cầu về vàng chủ yếu đến từ các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, nếu có thay đổi chính sách của các ngân hàng này cũng là điều cần chú ý.
Về cổ phiếu, theo vị chuyên gia, nhà đầu tư nên cẩn trọng với "cơn gió ngược" do tình hình vĩ mô biến đổi nhanh, do đó việc duy trì tỷ trọng được khuyến nghị.
Thực tế, việc chia trứng ra nhiều giỏ đã được nhiều chuyên gia đề cập. Việc có nhiều lớp đầu tư khiến các nhà đầu tư đỡ áp lực hơn, bởi khi có biến động ở thị trường nào sẽ chủ động điều chỉnh tỷ trọng, từ đó hiệu suất đầu tư sẽ hiệu quả hơn.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đặt ra các vấn đề: Trước hết, cơ hội đầu tư ở giai đoạn hiện tại đang nhiều thử thách. Nhà đầu tư cần hiểu rõ khẩu vị rủi ro của mình, đồng thời đa dạng hoá các kênh đầu tư, chú trọng sử dụng đòn bẫy hợp lý, đồng thời hạn chế tâm lý đám đông mua đuổi theo trào lưu. Ngoài ra, việc trau dồi tích luỹ kinh nghiệm tài chính cho bản thân cũng là điều cần lưu ý.
Hiện tại các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới có thể đe doạ triển vọng phục hồi tăng trưởng, từ đó gây ảnh hưởng đến các kênh đầu tư là điều khó tránh. Dù vậy, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, xu hướng phục hồi kinh tế vẫn đang khá rõ nét và nhiều kỳ vọng.
“Có nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen cả từ bên ngoài và bên trong nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế”, ông nhận định.