Để doanh nghiệp 'lớn', cần chính sách hậu thuẫn cả về môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư
(DNTO) - Theo chuyên gia, nếu doanh nghiệp vẫn lo lắng, e ngại, thậm chí sợ hãi vì không biết có được thử sai không, những quyết định đầu tư mới có "vừa" với chiếc áo thể chế không, có sợ bị sai phạm không, có cơ chế thí điểm cho các mô hình mới không..., thì còn khó tăng trưởng.
'Xốc' lại thể chế
Nền kinh tế Việt Nam dù vẫn đang xu hướng phục hồi tích cực, nhưng thách thức, khó khăn còn lớn. Để hóa giải thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, cần tháo gỡ những vấn đề gốc rễ, trong đó có khó khăn của doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên, mà khó khăn của doanh nghiệ lại là vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội mới đây. Nỗi lo là có thật, bởi các báo cáo gần đây cho thấy, đầu tư tư nhân đang chững lại. Năm ngoái, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt 1,919 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước và chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019.
Không chỉ khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ của doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung, dài hạn.
“Những doanh nghiệp còn đang hoạt động, dù rất khó khăn, rất cần được bảo vệ, được hỗ trợ để tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Như So, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ.
Đây là lý do ông So kiến nghị kéo dài thời gian các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2025, để các doanh nghiệp có dư địa tính toán kế hoạch tài chính phù hợp với các kế hoạch đầu tư, sản xuất. Cùng với đó, ông đề nghị các điều kiện thực thi cần được làm rõ, để không tạo thêm chi phí, không gây rủi ro cho doanh nghiệp và cả cơ quan thực thi.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay vấn đề cấp bách hơn, cần bàn thảo kỹ càng hơn, đó là vấn đề niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vẫn lo lắng, e ngại, thậm chí sợ hãi vì không biết có được thử sai không, những quyết định đầu tư mới có thể chế phù hợp không, có sợ bị sai phạm không, có cơ chế thí điểm, thể chế cho các mô hình mới không..., thì còn khó tăng trưởng.
Một lần nữa, kiến nghị cải cách môi trường kinh doanh được nhắc đến như một giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để mang đến “sự yên tâm” cho các doanh nghiệp. Không thể phủ nhận các nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện các quy định về kinh doanh, nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. "Có cơ quan thông tin là 4 tháng đầu năm 2024 đã cắt giảm, đơn giản được 40 thủ tục hành chính, nhưng lại sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành 34 thủ tục khác... Cứ cắt cái cũ lại ban hành cái mới thì không còn ý nghĩa gì”, đại biểu Quốc hội thẳng thắn.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố mới đây cũng cho thấy, dù cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh; nhưng trên thực tế vẫn còn những điểm nghẽn cần khắc phục.
“Khi chúng tôi hỏi về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, nhận được con số tương đối thấp, thấp nhất trong 19 năm điều tra. Đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để xốc lại tinh thần dám nghĩ dám làm năng động tiên phong của doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và tiếp tục phục hồi và phát triển, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó nhấn mạnh, chỉ ban hành quy định thủ tục hành chính mới khi thực sự cần thiết, đồng thời phải đảm bảo chi phí tuân thủ thấp nhất - Đây là điểm nhấn rất tích cực.
Rõ ràng, chỉ có đầu tư của doanh nghiệp mới tạo nên giá trị, tạo tăng trưởng, vì đầu tư công là dẫn dắt, vốn mồi, chứ không thể chi phối. Đặt trong bối cảnh động lực tăng trưởng truyền thống đang hết đà để thấy vai trò của thể chế mở đường, đúng như các nghị quyết của Trung ương đã xác định: đổi mới thể chế chính là một động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng.
Cơ hội đầu tư công bằng
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình phát triển doanh nghiệp đã có chuyển biến tốt trong tháng 5 năm nay, đạt 20.000 doanh nghiệp/tháng. Nhờ vậy, sau 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019 - 2023. Con số này cũng cao hơn con số 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng qua, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù đây là "dấu hiệu hết sức tích cực”, nhưng không phải quá đáng mừng. “Doanh nghiệp thấy cơ hội sẽ đầu tư, kinh doanh. Ngay trong khó khăn, các doanh nghiệp vẫn tìm kiếm cơ hội làm ăn mới, kể cả trong lĩnh vực mới như phát triển xanh, đầu tư vào công nghệ, AI... Vấn đề là có đủ điều kiện để thực hiện hay không”, các chuyên gia nhận định.
Thực tế, các nền kinh tế khác đang đi rất nhanh tới kinh tế số, kinh tế xanh và nhiều chuyển dịch khác. Trong khu vực, Singapore đã khởi xướng Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) cùng với Chile và New Zealand từ năm 2021. Hàn Quốc vừa trở thành thành viên thứ tư của hiệp định này vào đầu tháng 5/2024. Trung Quốc và Canada cũng đang tiến hành quy trình chính thức cho việc gia nhập DEPA, còn Costa Rica và Peru đã gửi yêu cầu chính thức để gia nhập...
Các chuyên gia cho rằng, để doanh nghiệp "lớn", chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều kiện ở đây là cơ chế, chính sách và cả thực thi. Đơn cử, sự hồi phục nhanh chóng của thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ mở thêm đơn hàng cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Song chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật mới liên quan đến môi trường, phát triển bền vững dường như vẫn chưa tương xứng.
“Doanh nghiệp tư nhân nguồn lực còn khá "mỏng" chưa đủ để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì càng không. Phần này rất cần sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước”, chuyên gia đề xuất.
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, cơ hội kinh doanh cần bình đẳng, chứ không phải như tình trạng hiện nay, có địa phương chỉ tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Làm sao doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp dân tộc có thể lớn mạnh.
"Đơn cử như các "siêu dự" án đường sắt đô thị, tiếp sau là các dự án hạ tầng quy mô lớn. Sau 3 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, đã đến lúc cần có cơ chế để doanh nghiệp Việt tham gia. Có thể đầu tiên là doanh nghiệp nhà nước vì có nguồn lực, song nếu doanh nghiệp nhà nước không đủ thì phải có chính sách hỗ trợ, dành cơ hội kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân trong nước tiếp cận...".