Cước vận tải biển tăng vọt, nhiều cổ phiếu lại nóng
(DNTO) - Đu theo giá cước vận tải đường biển, thị giá nhiều cổ phiếu trong nhóm vận tải và kho bãi bốc đầu như HAH, GMD, VOS...
Có tới 10 cổ phiếu nhóm vận tải, kho bãi tăng kịch trần trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/6. Dẫn đầu là HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, tăng gần 7%, với hơn 11 triệu đơn vị được khớp lệnh, thanh khoản của cổ phiếu đạt trên 500 tỷ đồng trong phiên.
GMD của Công ty cổ phần Gemadept tăng hơn 4%, giá trị giao dịch được ghi nhận trên 300 tỷ đồng. Hay QNP của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, VTO của CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco, VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam cũng đều tăng gần 7%.
Đồng loạt các cổ phiếu vận tải tăng mạnh. Bản thân nhóm này trong thời gian dài vừa qua cũng đã giao dịch khá tích cực, nhiều cổ phiếu leo đỉnh ngắn hạn, hút mạnh dòng tiền tham gia.
Như nhiều cổ phiếu khác, thị giá cổ phiếu sẽ chịu nhiều tác động từ những thay đổi trong ngành. Ngành vận tải đang đứng trước thách thức: giá cước vận tải đường biển toàn cầu đã tăng vọt mỗi ngày do tác động cuộc khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài.
Ngoài ra, việc Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng như nhà nhập khẩu Mỹ đều dồn sức chạy trước thời hạn trên, thậm chí sẵn sàng trả cước vận tải cao hơn để giữ chỗ, chiếm container trước.
Hiện các hãng tàu lớn trên thế giới đều không còn chỗ trống hoặc tăng giá. Hàng hoá bị dồn ứ ở cảng Singapore, lượng container chờ rời khỏi cảng ngày càng lớn khiến giá cước tăng đột biến, thậm chí gấp hai so với trước. Hiện tượng “nghẽn cảng” trong đại dịch Covid-19 đang được tái hiện. Trước tình hình trên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, các doanh nghiệp vận tải, bốc dỡ trong nước sẽ được hưởng lợi.
Với HAH, doanh nghiệp này vừa có thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ nhận thêm ba tàu đóng mới trong năm sau khi vừa tiếp nhận một tàu tháng 12 năm ngoái. Còn với VOS, doanh nghiệp dự kiến đầu tư phát triển các tàu hàng rời khi thị trường thuận lợi, giá hợp lý và tình hình tài chính cho phép.
Báo cáo về ngành cảnh biển của SSI Research nêu rõ: "Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm khả quan đối với ngành nhờ triển vọng cải thiện, tập trung vào các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi khả quan như PVT. Đồng thời chúng tôi cũng đưa một số cổ phiếu vào danh sách cổ phiếu tiềm năng nhờ được hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị (HAH, VOS), chờ đợi giá cổ phiếu điều chỉnh (GMD)".
Đồng quan điểm, theo TPS, đơn vị này duy trì triển vọng khả quan với nhóm cổ phiếu vận tải trong giai đoạn cuối năm nhờ: "Áp lực lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu tăng cao tại thị trường Trung Quốc khi chính sách hỗ trợ nền kinh tế "thẩm thấu" và hoạt động thương mại khu vực châu Á tăng trưởng".
Tuy nhiên, TPS lưu ý sẽ có vài yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới. "Kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa, đồng thời hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại, điều này giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ Châu Á – EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt", các chuyên gia cho biết.
Song, TPS cũng lưu ý về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.