Mở rộng nguồn cung, kết nối tiêu thụ sản phẩm: Chiến lược liên kết vùng của SATRA
(DNTO) - Giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030, SATRA tiếp tục phát triển ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thương mại – dịch vụ, sản xuất – chế biến, xuất nhập khẩu. Trong đó, chiến lược phát triển liên kết vùng là một trong những mục tiêu để phát huy lợi thế cạnh tranh của SATRA trong lĩnh vực sản xuất, bán sỉ-lẻ trong phát triển bền vững.
Liên kết, đồng hành cùng các tỉnh, thành
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA) luôn hưởng ứng và ủng hộ tham gia chương trình liên kết vùng từ 2012, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước theo từng giai đoạn.
Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, động lực phát triển mới, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác phát triển các ngành dịch vụ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết nhằm giúp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có những giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển của Thành phố mang tên Bác.
Với tiêu chí đó, SATRA đã và đang đồng hành với chương trình liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
SATRA đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền; chủ động tìm kiếm, mở rộng nguồn cung theo nhu cầu tiêu dùng; xây dựng các hồ sơ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất tại địa phương những điều kiện cần và đủ để nhanh chóng đưa sản phẩm này vào phân phối trong Hệ thống bán lẻ SATRA.
Đã có nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại những khu vực riêng biệt trong các đơn vị của Hệ thống bán lẻ SATRA nhằm giúp người tiêu dùng và du khách dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2024 của các sản phẩm OCOP đạt hơn 4,6 tỷ đồng, bước đầu nhận được nhiều đánh giá cao về chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm này từ người tiêu dùng.
Song song đó, Hệ thống bán lẻ SATRA cũng nỗ lực trao đổi với các nhà cung cấp, nhà sản xuất các tỉnh thành trên cả nước nhằm tìm kiếm những sản phẩm phù hợp để đưa vào hệ thống phân phối của SATRA.
Đã có khoảng 5.000 sản phẩm của 56 nhà cung cấp đến từ các tỉnh/thành vùng Đông Nam bộ đã và đang bày bán tại Hệ thống bán lẻ SATRA, ước tính doanh thu 8 tháng đầu năm đạt hơn 90 tỷ đồng. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.000 sản phẩm của 30 nhà cung cấp, doanh thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng.
Sự kết nối giao thương với các tỉnh/thành trên cả nước đã đưa các sản phẩm địa phương, các sản phẩm đặc trưng vùng miền có thể tiếp cận thị trường TPHCM một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng đa dạng và phát triển của người tiêu dùng tại khu vực phía Nam. SATRA luôn chú trọng việc ưu tiên trưng bày và bán các sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm OCOP, sản phẩm được chứng nhận là nhãn hàng xanh.
Tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng sản phẩm
Bên cạnh những thuận lợi, đại diện SATRA cho biết, hệ thống bán lẻ cũng gặp một số trở ngại nhất định như nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp tại các tỉnh thành trong vùng liên kết có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm tốt nhưng bao bì còn chưa phù hợp tiêu chuẩn nhãn hiệu; năng lưc sản xuất còn thấp cũng là một bất lợi vì chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM; các nhà sản xuất hay hợp tác xã này cũng chưa tổ chức được kênh bán hang, cũng như chưa xây dựng được hệ thống logistics giao hàng đến các điểm bán của các nhà phân phối trên địa bàn TP.HCM khiến nguồn cung dễ bị đứt gãy cục bộ, hoặc sẽ làm giá thành sản phẩm tăng cao khi đến tay người tiêu dùng.
Cùng với đó, người tiêu dùng vẫn chưa quen và chưa biết nhiều, hiểu rõ về sản phẩm OCOP nên chưa phân biệt và chấp nhận giá các sản phẩm này nhỉnh hơn so với các sản phẩm cùng loại. Các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP cũng chưa nắm rõ thông tin nên thường chưa chuẩn bị đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Một số công ty, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, năng lực cung ứng còn thấp nên gặp khó trong việc ổn định lượng hàng cung cấp. Các sản phẩm OCOP chưa có đầu tư nghiên cứu hình thức để thu hút người tiêu dùng.
Để tháo gỡ các khó khăn này, đại diện SATRA cũng đề xuất các tỉnh/thành cần có những doanh nghiệp thương mại làm đầu mối tập trung các sản phẩm OCOP để kết nối với các nhà phân phối, các nhà bán lẻ trên địa bàn TP.HCM nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí logistics trong lưu thông hàng hóa từ các tỉnh/thành về TP.HCM, đồng thời tận dụng kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp trong trao đổi đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối bán lẻ trên địa bàn TP.HCM.
Để đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà cung cấp các tỉnh/thành, Hệ thống bán lẻ SATRA luôn tạo điều kiện tối đa cho những nhà cung cấp sản phẩm OCOP của từng vùng miền đạt đủ điều kiện để vào tiêu thụ tại hệ thống; đồng thời cũng sẽ tiết giảm chi phí vận chuyển, giảm phí thuê mặt bằng, chia sẻ lợi nhuận, tạo điều kiện thanh toán linh hoạt và nhanh chóng; tăng cường quảng bá, truyền thông cho các sản phẩm này thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội, website, ứng dụng di động của SATRA; cũng như thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá, trưng bày sản phẩm ở vị trí bắt mắt…
Các đơn vị trong hệ thống bán lẻ SATRA cũng sẽ ưu tiên bố trí vị trí trưng bày riêng cho nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm của các doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh, sản phẩm “tíck xanh trách nhiệm” để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tổ chức giới thiệu, dùng thử sản phẩm để người tiêu dùng có thể trải nghiệm trước khi mua hàng. Ngoài ra, trên ấn phẩm cẩm nang mua sắm định kỳ SATRA sẽ dành chuyên trang để giới thiệu nhóm sản phẩm này.
Với những giải pháp trên, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên đã kết nối và hợp tác hiệu quả với nhiều nhà cung ứng trên khắp cả nước để phân phối và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế của cả đôi bên, mà còn là cơ hội để góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của từng tỉnh thành nói riêng và của cả Việt Nam nói chung.