Minh bạch là chỉ số quan trọng để phát triển thị trường vốn Việt Nam
(DNTO) - Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, muốn phát triển thị trường vốn, chúng ta phải tăng tính minh bạch cho thị trường. Vì minh bạch là chỉ số vô cùng quan trọng giúp nâng hạng thị trường chứng khoán, qua đó giúp phát triển thị trường vốn.
Liên quan đến câu chuyện làm thế nào để phát triển thị trường vốn Việt Nam, tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã có cuộc trao đổi với Doanh nhân trẻ Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào để phát triển thị trường vốn Việt Nam trong giai đoạn tới?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chúng ta thấy rằng, thị trường vốn của Việt Nam bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường phái sinh… Những thị trường này đã và đang phát triển khá tốt trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng vốn hóa bình quân thời gian qua khoảng 15-20%, ở tốc độ phát triển tương đối cao trong khu vực.
Thị trường này đã đóng góp quan trọng cho huy động vốn của nền kinh tế. Ví dụ năm 2016, huy động vốn từ kênh thị trường vốn đóng góp vào khoảng 13% trong tổng vốn đầu tư của xã hội. Đến năm 2020 đã ở mức 20%. Rõ ràng, thị trường vốn ngày càng đóng góp tích cực và quan trọng trong việc huy động vốn chung cho nền kinh tế.
Cũng có nhiều nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân, tham gia trong thời gian qua. Tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 20%, điều đó cho thấy thị trường tương đối mở. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập.
* Theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết những bất cập này?
- Tôi cho rằng, ta phải tăng tính minh bạch cho thị trường. Vì minh bạch là chỉ số vô cùng quan trọng của thị trường chứng khoán. Nếu sau này muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, ta phải đảm bảo công khai tính minh bạch.
Thứ nữa là tính chuyên nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, đều phải nâng tầm chuyên nghiệp của mình lên. Ví dụ, nhà đầu tư cá nhân cần tránh tâm lý bầy đàn, tránh dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, tránh tâm lý đầu cơ lướt sóng, không có nhiều thông tin, không hiểu biết về lĩnh vực đó.
Thứ ba, cần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường vốn. Ta thấy sản phẩm hiện nay phát triển nhưng còn tương đối nghèo nàn so với khu vực. Ví dụ, ta chưa có nhiều sản phẩm quỹ, chứng chỉ quỹ, chưa có nhiều phái sinh, kể cả quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí… đều chưa có nhiều.
Ngoài ra, cần nâng cấp mạnh mẽ hơn về hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu cho thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng tắc nghẽn như thời gian qua. Về vấn đề này, phải có tầm nhìn và sự đột phá của Chính phủ về cơ chế chính sách giải ngân đầu tư công nghệ thông tin, đầu tư cho một số lĩnh vực trọng điểm, trong đó có chứng khoán.
Cần nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về thị trường vốn, để tránh hiện tượng doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng mà quên đi các kênh dẫn vốn khác.
Theo đó, chúng tôi kiến nghị cần có giáo trình giáo dục tài chính tổng thể, nên được tiến hành ngay từ trường cấp ba, nhằm tăng hiểu biết của nhà đầu tư.
Đặc biệt, phải quan tâm quản lý rủi ro trên thị trường vốn, bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro của từng phân khúc thị trường. Không được quên hợp tác quốc tế để quản lý dòng tiền xuyên biên giới, quản lý tình trạng rửa tiền và các hành vi phạm pháp khác, nhất là trong bối cảnh công nghệ số diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
* Ông đánh giá thế nào về số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 1 vừa qua tín dụng tăng trưởng chậm, còn dòng tiền “đổ” vào chứng khoán lại tăng 42%?
- Chúng ta thấy rằng, tín dụng tăng trưởng hết tháng 1 là 1,47%. Còn "42% dòng tiền đổ vào chứng khoán" chỉ là lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1, tăng 42% so với quý 1 năm trước. Điều này là đúng. Bởi năm ngoái dịch bệnh bắt đầu xuất hiện. Lúc đó các doanh nghiệp lo lắng, không ai muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư kinh doanh cho cả năm.
Năm nay bình ổn, tốt hơn; doanh nghiệp tự tin và phát hành trái phiếu nhiều hơn. Đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng cần chú ý, đó chỉ là lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tăng lên 42% so với năm ngoái, điều này là hợp lý, thể hiện vai trò của thị trường trái phiếu đang là kênh huy động vốn tích cực cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.
Tất nhiên, đầu tư cũng cần phải thận trọng, phải phân tích, hiểu biết, và doanh nghiệp phải thông tin tốt hơn…
* Thời gian qua nhà đầu tư F0 vào thị trường chứng khoán khá lớn. Theo ông có rủi ro gì không?
- Tôi cũng đã cảnh báo. Nên nhớ, năm ngoái nhà đầu tư F0 lên đến con số 400.000, đây là mức tăng đột biến. Và quý 1 vừa qua, nhà đầu tư F0 tiếp tục tăng. Rõ ràng cũng có lý do. Bởi nhà đầu tư có khoản tiền nhàn rỗi sau tết nên bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Thứ hai là yếu tố dịch bệnh, người ta muốn giao dịch trực tuyến nhiều hơn, nên kênh môi giới chứng khoán phát triển. Thứ nữa là lãi suất tiền gửi của ngân hàng tương đối thấp so với mong đợi của nhà đầu tư, vì thế họ đã có sự dịch chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán và bất động sản.
Về điều này, tôi cảnh báo nhà đầu tư hết sức thận trọng, cần đa dạng hóa, tránh tâm lý bầy đàn và không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, vay chỗ này đầu tư chỗ kia, nếu rủi ro thì mất cả hai đầu. Rất nguy hiểm.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.