M&A trong lĩnh vực năng lượng sẽ sôi động trở lại
(DNTO) - Khi các “cá mập” nhìn thấy nhiều khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, dòng tiền M&A dự báo sẽ trở lại thị trường năng lượng Việt Nam.
Thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt giá trị 3,2 tỷ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên 88% giá trị đến từ bất động sản, tiêu dùng, công nghiệp…Còn hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng được xem ảm đạm hơn những năm trước và những ngành khác.
Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt cho biết kỳ vọng về ngành năng lượng trước nay đang khá cao. Tuy nhiên khá nhiều giao dịch đang bị dừng lại trong 2 năm qua vì nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ngành chưa được tháo gỡ. Vị này kỳ vọng sau khi có chính sách, sự nhộn nhịp sẽ quay trở lại.
Một điểm sáng là thị trường M&A trong lĩnh vực năng lượng cũng ghi nhận một số thương vụ nổi bật.
Hồi tháng 7, công ty năng lượng tái tạo tại Singapore là Levanta Renewables, mua lại dự án điện mặt trời áp mái công suất 28,7 MWp từ các công ty liên quan của Công ty Cổ phần Tiến Nga.
Một công ty Singapore khác là Great Master cũng đủ điều kiện mua lại 20% tổng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Trung Khởi - một nhà phát triển khu công nghiệp tại Quảng Trị. Trong khi đó, Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (AG&P) có trụ sở tại Singapore đã mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd - công ty con do Sembcorp có 4 thương vụ M&A với Tập đoàn GELEX trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự kiến sau 4 thương vụ, tổng công suất năng lượng tái tạo của Sembcorp tại Việt Nam sẽ đạt 455 MW.
Thực tế, nhiều năm qua, lĩnh vực năng lượng luôn được xem là “thỏi nam châm” hút vốn trên thị trường M&A. Bởi thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn sơ khai, trong khi tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế. Vì vậy các nhà đầu tư sớm nhìn ra việc đầu tư vào ngành năng lượng Việt Nam là một nguồn lợi khổng lồ. Họ luôn muốn cạnh tranh để trở thành người đầu tư sớm nhất vào thị trường.
Để khơi thông điểm nghẽn trong ngành năng lượng, trong năm qua, hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực năng lượng được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.
Điển hình như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; khởi động lại điện hạt nhân…
Những cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội đã đầu tư lên đến 13 tỷ USD và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc.
Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) chuyển giao về Bộ Công Thương vận hành hệ thống điện giúp đảm bảo thị trường điện quốc gia khách quan, công tâm, công bằng…
Ông Duy Võ, Cộng sự Bộ phận Mua bán và Sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART, cho biết có sự khác biệt trong “khẩu vị” đầu tư của các nhà đầu tư từ các khu vực. Trong khi các nhà đầu tư từ Singapore vẫn rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng thì một số nhà đầu tư châu Âu không tiếp tục đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam nữa. Nhưng ở nơi khác, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục muốn rót vốn vào lĩnh vực này.
“Điều này cho thấy khẩu vị đối nghịch nhau và với những khuôn khổ pháp lý cho ngành năng lượng được hoàn thiện, lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam kì vọng vẫn có thể tiếp tục đón dòng vốn đầu tư chất lượng”, ông Duy Võ nói.