Lực cản nào với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn?
(DNTO) - Trong khi khối ngoại miệt mài xả hàng, tập trung vào các "ông lớn" thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại tỏ ra ưa chuộng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điều này được cho đang gây khó cho nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn?
Xu hướng bán ròng được khối ngoại tiếp tục duy trì trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tháng 5 vừa qua, các quỹ đã chủ động rút khỏi thị trường Việt Nam hơn 19 ngàn tỷ đồng, chủ yếu ở nhóm ngân hàng và bất động sản.
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, con số này cũng đã đạt gần 8 ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều nhất thuộc về mã FPT với hơn 2,1 ngàn tỷ đồng, tiếp đó là VHM hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, hay MWG gần 700 tỷ đồng, nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn trên thị trường.
Những lo lắng về lãi suất, tỷ giá, hay các yếu tố chính trị trên toàn cầu được cho là các yếu tố chính gây ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại.
Trong khi khối này miệt mài bán ròng, khối nhà đầu tư nội trong nước lại thể hiện xu hướng mua khá mạnh, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại được ưu tiên trong giỏ hàng của họ. Dù còn nhiều trắc trở, tuy nhiên không thể phủ nhận thành quả chỉ số VN-Index đã chinh phục mốc 1.300 điểm trong tuần qua nhờ lực mua mạnh và kỳ vọng tích cực của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đã có nhiều dấu hiệu tích cực.
Bối cảnh trên đã khiến tạo nên sự trái ngược, trong khi nhóm vốn hoá lớn với các cổ phiếu đầu đàn đang có dấu hiệu đuối sức, thì nhóm cổ phiếu SmallCap và MidCap lại được hưởng lợi từ dòng tiền. Ngay như phiên hôm nay, ngày 17/6, chỉ số Vn30-Index mất hơn 0,5% thì chỉ số chung của nhóm vốn hoá vừa và nhỏ gần như ổn định hoặc tăng nhẹ không đáng kể.
Khá nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu khi nào cơ hội sẽ trở về với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, những cổ phiếu được xem là trụ lực trên thị trường?
Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân CTCK Maybank Investment Bank, khẩu vị của nhà đầu tư nội thường thay đổi theo yếu tố dòng tiền là chính. Hiện nhà đầu tư nội đang tập trung vào nhóm cổ phiếu nhỏ do đây là nhóm có nhiều câu chuyện riêng trong ngắn hạn.
Cũng có thể thấy nhóm cổ phiếu này thường có thị giá thấp, độ biến động mạnh, phù hợp với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, có thể đặt hai giả định với thị trường. Trong trường hợp đà bán khối ngoại vẫn tiếp tục theo quán tính, điều này sẽ tạo thuận lợi cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần, có thể có mức tăng giá tốt hơn so với nhóm vốn hoá lớn.
"Ngược lại, nếu có sự cân bằng hơn trở lại từ nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian tới đây, dù chuyện này khó đoán, nhưng nếu kịch bản xảy ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có mức tăng giá ít có thể được nhìn nhận như một cơ hội để nhà đầu tư tham gia", ông Lâm cho biết.
Khối ngoại đang thể hiện tâm lý khá thận trọng. Việc rút ròng không chỉ với thị trường Việt Nam mà đang diễn ra tại nhiều thị trường khác trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan...
Hiện tại thị trường đang dành nhiều kỳ vọng về bản dự thảo lần hai của thông tư cho phép các công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nếu dự thảo sớm được chấp thuận sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, kích thích dòng vốn ngoại. Và điều này giúp Việt Nam tiến gần mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.