Luân Đôn từng có tham vọng sở hữu 'tháp Eiffel' riêng của nước Anh
(DNTO) - Gần 120 năm trước, lấy cảm hứng từ tháp Eiffel ở Paris, Đại tháp London đã sẵn sàng vượt qua đối thủ về chiều cao với gần 366m. Thế nhưng, chưa hoàn thiện giai đoạn xây dựng đầu thì dự án đã bị ngừng trệ, bỏ lại một giấc mơ chưa thành cho thần dân Anh.
Vết tích còn lại của giấc mơ Eiffel nước Anh này giờ chỉ là những nền móng bê tông khủng đã được khám phá cách đây 20 năm. Giấc mộng London suýt có Eiffel của riêng mình nay đang được thần dân nước này kháo tai nhau, và cùng dấy lên một chút… tiếc nuối!
Ở đâu đó bên dưới sân vận động quốc gia của xứ sở sương mù ở Wembley, London, là phần móng và “di tích” của những gì có thể được tạm xem là tòa nhà từng hứa hẹn sẽ cao nhất trong thành phố.
Lấy cảm hứng từ tháp Eiffel ở Paris nước Pháp, Đại tháp London đã sẵn sàng vượt qua mặt đối thủ với chiều cao 366m. Trớ trêu và đáng tiếc là công trình được biết đến với tên gọi “London Stump” đã chẳng bao giờ vượt qua nổi giai đoạn xây dựng sơ khởi.
Tàn tích của tháp chưa hoàn thiện đã bị phá hủy gần 120 năm trước, để lại cho Luân Đôn một giấc mơ không thành. Trên nền móng bê tông hoành tráng sót lại của công trình đã mọc lên một sân vận động mới.
Hãy dành chút thời gian để ngược lại ký ức! Tòa tháp là sản phẩm trí tuệ của Edward Watkin, một chính trị gia người Anh và là ông trùm đường sắt. Nỗ lực đầu tiên của ông trong ý đồ xây dựng một đường hầm dưới eo biển Manche đã không thành, và 100 năm sau hậu thế của xứ sở sương mù mới hiện thực được giấc mơ ấy.
Vị doanh nhân bẩm sinh yêu thích những ý tưởng lớn trong đầu theo châm ngôn “Càng lớn càng tốt” này luôn nghĩ đến những gì thực tế hoặc khả thi về mặt tài chính.
Tháp Eiffel tại Pháp đã mở cửa vào năm 1889 và nhanh chóng trở thành một điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch. Ấn tượng nhất là chi phí xây dựng của tháp đã được hoàn vốn chỉ trong vài tháng. Đúng lúc ấy thì tại Anh, Watkin đang bận rộn với việc chiêu dụ khách đến công trình Đường sắt Metropolitan của mình, mà sau này sẽ trở thành tuyến Metro nổi tiếng cho hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn.
Tuyến đường sắt đi qua Wembley, lúc ấy mới chỉ là một ngôi làng quê phía tây bắc trung tâm London, nơi Watkin đã đầu tư đất đai để xây dựng công viên giải trí, một dạng Disneyland tiên khởi, kế thừa kiến trúc của những công viên giải trí đầu thế kỷ 19 như Battersea hoặc Tivoli ở Copenhagen.
Trong ý nghĩ của Watkin, còn gì tuyệt hơn một tòa tháp cao vượt mặt tên tuổi Eiffel, sẽ lôi cuốn dân London bắt tàu để đến chiêm ngưỡng, thưởng lãm và trải nghiệm. Tính táo bạo của Watkin còn “ngông” đến nỗi ông mạnh miệng đề nghị chính vị kiến trúc sư Gustave Eiffel tự tay thiết kế tòa tháp quê hương, nhưng tên tuổi người Pháp nảy đã từ chối với lý do có thể thông cảm được: “ái quốc”!
Thế là ngày ấy Watkin đành chuyển sang kế hoạch B: tổ chức một cuộc thi thiết kế quốc tế, với giải nhất là 500 guineas, tương đương khoảng 80.000 đô la Mỹ ngày nay. Ông đã nhận được đến 68 bài dự thi, trong số đó có một số ý đồ rất là “viễn tưởng”.
Chẳng hạn, một công trình cao gần 610m, là một đường sắt xoắn ốc cho tàu chạy lên đến đỉnh. Một ý tưởng thiết kế khác cũng rất mơ mộng, được diễn giải là “thuộc địa trên không” với vườn trên cao, bảo tàng và phòng trưng bày, cuối cùng trên đỉnh là bản sao của một Đại Kim tự tháp.
Tuy nhiên cuối cùng, bài thi thắng giải thuộc về bộ ba kiến trúc sư Stewart, McLaren và Dunn, là một phiên bản tháp Eiffel nhưng trông mảnh mai hơn. Với độ cao gần 366m, tháp vượt đối tác ở Paris khoảng 53m, vốn đang là công trình xây dựng cao nhất thế giới vào thời điểm đó.
Tất cả các hạng mục của kiến trúc đã nằm trên bản vẽ năm 1890, mô tả chi tiết dự án và một vài điểm nhấn được tiết lộ, như tháp Luân Đôn sẽ rộng rãi hơn nhiều so với Eiffel và bao gồm đa dạng hạng mục đặc biệt như nhà hàng, rạp hát, cửa hàng, phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, lối đi dạo, khu vườn mùa đông và nhiều trò giải trí khác.
Phương tiện để lên tháp là… thang máy dẫn đến một đài quan sát sẽ cung cấp tầm nhìn toàn cảnh, cũng như kính thiên văn hoạt động hiệu quả nhờ độ tinh khiết của không khí có ở một độ cao lý tưởng.
Tuy nhiên, sau các nét phác thảo phô trương ban đầu, thiết kế đề xuất đã được thu nhỏ bớt hầu hạ giá thành chi phí xây dựng. Hệ thống đế chống dự tính ban đầu cũng được giảm bớt, từ 8 xuống còn 4, bằng với số lượng chân đế của Eiffel. Tiến trình xây dựng bắt đầu vào năm 1892, giai đoạn đầu tiên cao khoảng 45m đã được hoàn thành.
Trước đó một năm, công viên Wembley đã mở cửa, và lúc ấy đang đạt được thành công nhất định về lượng khách tham quan. Nhưng công trình tòa tháp lại không suôn sẻ như vậy, khủng hoảng đã bắt đầu xảy ra. Vừa hoàn tất giai đoạn đầu, tòa nhà bị sụt lún thấy rõ.
Thật ra với độ thấp như đã hoàn thành, công trình không đáng lo về an toàn, vẫn sử dụng được. Tuy nhiên thiết kế sẽ gặp vấn đề lớn nếu tiếp tục xây lên cao hơn, bởi lúc ấy đế móng sẽ không kham nổi. Mặc dù phần tháp hoàn thành giai đoạn sơ khởi cũng đã được mở cửa cho công chúng, thang máy đã được lắp đặt, nhưng tất cả ngay sau đó đã phải dừng, lúc đầu nghĩ là tạm thời nhưng rồi trở thành vĩnh viễn.
Xui xẻo càng bồi thêm cho công trình khi Watkin - động lực đằng sau dự án - đột ngột qua đời vào năm 1901, càng khiến “cái chết” của Eiffel Luân Đôn đến nhanh hơn. Với tàn tích còn lại, lúc ấy khách tham quan cũng có thể lên tham quan, nhưng độ cao ấy không đủ để mọi người có được tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục như ngắm từ đỉnh Tháp Eiffel Paris.
Một năm sau cái chết của Watkin, tòa tháp được tuyên bố là không an toàn và bị đóng cửa, rồi chỉ sau một thời gian ngắn, người ta dùng thuốc nổ phá hủy tháp.
Tuy nhiên, khu vực Wembley xung quanh vẫn tiếp tục phát triển thành vùng dân cư ngoại ô London song song việc hình thành khu công nghiệp. Năm 1923, một sân vận động, sau này được gọi là Wembley Stadium, được xây dựng trên địa điểm cũ của tòa tháp. Chính việc tu sửa và tân tạo sân Wembley mới sau này để hạ thấp độ cao đã giúp người ta khai quật được nền móng của tòa tháp ban đầu ngày nào.
Sau này một số sử gia nhận định, tuy không đạt tầm mức giá trị trung tâm như tháp Eiffel, nhưng dự án của Watkin ngày ấy vẫn là tòa nhà dự kiến cao nhất của London, vượt qua nhà chọc trời The Shard gần 49m.