Lợi nhuận trên sàn giảm 35%, doanh nghiệp xây dựng phải hoán đổi cổ phiếu để cấn trừ nợ
(DNTO) - Chịu ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, khiến biên lãi ròng của doanh nghiệp xây dựng trên sàn trong quý 3 giảm tới 35%, buộc phải hoán đổi cổ phiếu để cấn trừ nợ. Để thêm trợ lực, doanh nghiệp ngành xây dựng đề xuất giảm lãi suất vay tới 2% và giữ nguyên các khoản nợ đến hết năm 2024 để vượt khó.
Thị trường chậm lại từ quý 4/2022 và thực sự “rơi xuống” từ đầu năm 2023 tới nay do hàng loạt các yếu tố không thuận như bất động sản giảm sâu, giải ngân đầu tư công chậm, kinh tế toàn cầu phục hồi không như kỳ vọng..., nên doanh nghiệp xi măng, sắt thép, gốm sứ xây dựng, bê tông… đều trong cảnh sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận lao dốc, báo lỗ.
Theo dữ liệu mới đây của VietstockFinance, hoạt động sản xuất kinh doanh của 119 doanh nghiệp xây dựng trên sàn HOSE, HNX và UPCoM đã công bố BCTC quý 3/2023 đạt doanh thu thuần gần 38 ngàn tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng gần 1,240 tỷ đồng, giảm 35%.
Cụ thể, 36/119 doanh nghiệp xây dựng lỗ trong quý 3. Trong đó, 12 doanh nghiệp từ lãi chuyển lỗ và 24 cái tên tiếp tục thua lỗ. Ông lớn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) là doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong nhóm này khi lỗ ròng hơn 168 tỷ đồng. Qua đó, nâng lỗ lũy kế của HBC trong 9 tháng lên xấp xỉ 880 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng).
Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) tiếp tục quý thua lỗ thứ 3 trong năm nay, với gần 121 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng 21%, đạt gần 11 tỷ đồng; tuy nhiên, do chi phí quản lý và sửa chữa trạm thu phí tăng nên CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) vẫn lỗ hơn 24 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 7 lỗ liên tiếp của BOT kể từ quý 1/2022. Các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn), Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn… cũng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận âm lần lượt 112 tỷ đồng và 64 tỷ đồng.
Trong khi đó, do tiêu thụ nội địa chỉ quanh mức 62-63 triệu tấn/năm, kênh xuất khẩu giảm từ 2 năm nay, ngành xi măng đang trong giai đoạn buồn thảm nhất, số lượng doanh nghiệp báo lỗ không ngừng tăng. Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 72,4 triệu tấn xi măng, giảm 4,35% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu xi măng và clinker đạt 25,7 triệu tấn, giảm 2%.
Đối với ngành thép, 9 tháng năm 2023, sản xuất thép thô đạt hơn 14 triệu tấn, giảm 13%; tiêu thụ đạt 13,869 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Sản xuất thép thành phẩm đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,3%, tiêu thụ đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ.
Không chỉ tiêu thụ chậm, giá bán các loại vật liệu cũng giảm đáng kể. Giá bán thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm 12-14 lần kể từ tháng 3/2023 đến trung tuần tháng 9. Nguyên nhân là việc tiêu thụ chậm, các dự án dân dụng khởi công quá ít, các dự án cao tốc tuy có khởi sắc nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Doanh thu "chạm đáy" khiến làn sóng phát hành hoặc hoán đổi cổ phiếu để cấn trừ nợ với doanh nghiệp ngành xây dựng bắt đầu nở rộ. Đây là giải pháp tạm thời giúp doanh nghiệp giảm hệ số đòn cân nợ, giải quyết khó khăn trước mắt.
Đơn cử, Thép Pomina (POM) vừa công bố thông tin về việc hoán đổi cổ phần để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Theo thoả thuận, tổng số cổ phiếu cấn trừ lên đến 21 triệu cổ phiếu POM, tương đương giá trị cấn trừ gần 188 tỷ đồng. Trong đó, Pomina chủ yếu cấn trừ với giá 10.000 đồng/cp (gấp đôi thị giá). Các khoản nợ sau khi cấn trừ sẽ được xỏa bỏ, các chủ nợ là nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của POM.
Tương tự, Xây dựng Hoà Bình (HBC) cũng gây chú ý với kế hoạch phát hành lượng lớn cổ phần nhằm hoán đổi nợ. Theo kế hoạch (mới điều chỉnh), HBC sẽ phát hành chỉ gần 252,5 triệu cổ phiếu, trong đó có 32,5 triệu cổ phiếu là phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ.
Đề xuất giảm lãi suất vay tới 2% đến hết năm 2024
Nhận định về làn sóng phát hành hoặc hoán đổi cổ phiếu để cấn trừ nợ, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài không tốt vì không thể hiện sự cân bằng dòng tiền. Về nguyên tắc, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tăng vốn kinh doanh chứ không phải trả nợ. Thông thường, tiền trả nợ huy động từ nhiều nguồn như: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu...
Việc phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ sẽ tạo ra rủi ro là không cân xứng giữ nguồn vốn, cách sử dụng vốn và chi phí vốn (chi phí phát hành khá đắt đỏ, trong khi giá phát hành không cao). Còn đối với đơn vị bị cấn trừ sẽ thành cổ đông của doanh nghiệp. Chưa kể, việc xuất hiện những cổ đông lớn “bất đắc dĩ” sẽ phát sinh vấn đề: Nếu như cổ đông này tham gia điều hành, họ phải am hiểu lĩnh vực đó; bằng không dẫn đến những rủi ro khác về sau cho doanh nghiệp.
Theo đó, để tìm sự trợ lực gỡ khó, mới đây, 8 hiệp hội vật liệu xây dựng đã “kêu cứu”, mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nếu điều này không được tháo gỡ, dẫn tới nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ.
"Đề xuất giảm lãi suất vay tới 2% đến hết năm 2024, đồng thời kéo dài và giữ nguyên các khoản nợ đến hết năm 2024 và không tính lãi quá hạn các khoản vay này, hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời…", các Hiệp hội kiến nghị.
Đặc biệt, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện giảm 2% thuế VAT, cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.