Liệu Việt Nam có 'dính' mác thao túng tiền tệ trong báo cáo lần tới của Mỹ?
(DNTO) - Báo cáo ngoại hối lần thứ hai dưới nhiệm kỳ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hiện chưa được công bố, đã dán nhãn một số đối tác thương mại Mỹ là thao túng tiền tệ. Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ có vẻ như trì hoãn gắn nhãn thao túng tiền tệ một số quốc gia trong báo cáo mới nhất của mình.
Việc gán nhãn thao túng tiền tệ đối với một quốc gia được dựa trên cả 3 tiêu chí chính: Thặng dư thương mại với Mỹ vượt 20 tỷ USD; thặng dư tài khoản vãng lai vượt 2% GDP, và mua ròng ngoại tệ liên tục với tổng giá trị tối thiểu vượt qua 2% GDP.
Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã dừng gắn nhãn với Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan là thao túng tiền tệ, cho dù các quốc gia này đã vượt qua ngưỡng theo đạo luật Thương mại của Mỹ ban hành năm 2015. Trước đó, vào tháng 12/2020, Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã gắn mác Việt Nam và Thụy Sĩ.
Trong báo cáo tháng 4 của mình, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa 11 nền kinh tế vào “Danh sách theo dõi”.
Hiện chưa có phương thức tự động trừng phạt từ các quốc gia bị gắn nhãn, cho dù luật của Mỹ luôn yêu cầu Washington đàm phán với các đối tác thương mại của Mỹ về việc thao túng.
Bản báo cáo tới đây của Bộ Tài chính Mỹ, theo nhiều nhà phân tích sẽ có một số đối tác thương mại gặp rủi ro về việc này, tuy nhiên họ cũng nghi ngờ việc sẽ bị gắn nhãn.
Thụy Sĩ
Thụy Sĩ đã bị gắn nhãn thao túng tiền tệ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump vào tháng 12/2020. Tuy nhiên đã được gỡ khỏi danh sách trong báo cáo đầu tiên của Yanet Yellen tại tháng 4 vừa rồi.
Thụy Sĩ hiện tại đang có đủ 3 tiêu chí để có thể bị gắn nhãn, tuy nhiên các nhà phân tích không chắc chắn về việc quốc gia này sẽ bị đưa vào danh sách.
Hiện tại thặng dư thương mại song phương Thụy Sĩ - Mỹ đứng ở 39 tỷ USD trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 6/2021, vượt tiêu chí của Mỹ. Và hiện thặng dư tài khoản vãng lai của Thụy Sĩ tương đương 3% GDP trong 12 tháng, tính đến cuối quý 2 vừa qua.
Cho dù Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã giảm sự can thiệp trong thời gian gần đây, cơ quan này đã tiêu 25,4 tỷ Franc trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 6/2021, tương đương với 3,5% GDP và cao hơn mức 2% của Bộ Tài chính Mỹ.
Hiện các nhà phân tích tin tưởng rằng Thụy Sĩ sẽ không rơi vào danh sách này, vì Bộ Tài chính Mỹ sẽ nhìn vào một số yếu tố khác, như chính sách tiền tệ và các hành động liên quan đến chính sách thương mại của Thụy Sĩ.
Đài Loan
Đài Loan chính thức bị gắn nhãn thao túng tiền tệ bởi Mỹ vào tháng 12/1992, tuy nhiên hòn đảo này được rút khỏi danh sách theo dõi trong năm 2020. Hiện Đài Loan vượt qua cả 3 chỉ số chính, theo các nhà phân tích tại TD, tuy nhiên họ không dự đoán sẽ bị gắn nhãn đợt này.
Thặng dư thương mại giữa Đài Loan với Mỹ chạm mốc 29,9 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn năm 2019 là 7 tỷ USD. Trong khi thặng dư tài khoản vãng lai đứng ở 11% GDP, vượt qua tiêu chí của Washington.
Trong 9 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại với Mỹ chạm 17,94 tỷ USD. Hiện thặng dư thương mại nửa đầu năm nay đã chạm mốc 14,6% GDP.
Ngân hàng Trung ương Đài Loan vào tháng 9 cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay đã mua vào 8,73 tỷ USD để can thiệp và tránh “mất cân đối” trên thị trường ngoại hối. Để so sánh, ngân hàng này đã mua ròng 39,1 tỷ USD trong cả năm 2020. Theo các nhà phân tích tại TD, Đài Loan mua vào số ngoại hối tương đương 7,8% GDP.
Tuy nhiên, trường hợp Đài Loan khá phức tạp vì liên quan đến sức ép địa chính trị với Trung Quốc. Đài Loan là nơi xuất khẩu chính chất bán dẫn vào Mỹ, làm giảm sức ép thiếu hụt nguồn cung cho các nhà sản xuất Mỹ. Tất cả những điều trên đều là những việc khiến Mỹ phải tính toán.
Việt Nam
Việt Nam bị gắn nhãn thao túng tiền tệ bởi chính quyền cựu Tổng thống Trump trong tháng 12/2020, tuy nhiên được dỡ khỏi danh sách trong báo cáo tháng 4 của Yellen.
Việt Nam có tiêu chí thặng dư thương mại với Mỹ đạt 83,8 tỷ USD, và mua ròng ngoại hối chiếm 4,1% GDP, tuy nhiên không rơi vào tiêu chí.
Sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã thiết lập chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái minh bạch hơn trong tháng 7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dừng mua vào USD tại thị trường kỳ hạn sau 7 tháng, và chuyển sang mua USD giao ngay.
Trong báo cáo ngoại hối bán niên công bố đêm 16/4 (giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ, đảo ngược tuyên bố của chính quyền Trump vào tháng 12/2020.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, họ bắt đầu "tăng cường gắn kết" với Đài Loan và tiếp tục các cuộc đàm phán như vậy với Việt Nam và Thụy Sĩ, sau khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump hồi cuối năm ngoái gắn Việt Nam và Thụy Sĩ là những nước thao túng tiền tệ.
Hồi giữa tháng 1, theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không áp thuế hoặc các hạn chế thương mại mà có thể ảnh hưởng tới các thành viên của AmCham, cũng như mối quan hệ thương mại giữa 2 nước sau những cáo buộc về thao túng tiền tệ. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được coi là rất tốt và có lợi cho người dân cả 2 nước.
Quy kết thao túng tiền tệ là một công cụ lạc hậu, kém hiệu quả trong “kho tàng” các công cụ pháp lý của Mỹ (cả đơn phương và trong các cơ chế đa phương như WTO) để xử lý các tranh chấp thương mại. Chính vì thế mà nó chưa bao giờ được sử dụng. Chỉ đến khi Trump lên nắm quyền, các chuyên gia pháp lý của ông mới lôi công cụ này ra "phủi bụi" và "mài dũa" làm vũ khí chính để đánh các đối tác của mình.
Việc Bộ Tài chính quy kết một đối tác là thao túng tiền tệ không tự động đi kèm các biện pháp trừng phạt nào. Tuy nhiên, đó sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng (nhưng không phải duy nhất) để Bộ Thương mại quyết định điều tra và có thể áp thuế chống trợ cấp, đồng thời khởi động một cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối tác bị quy kết, và có thể tăng thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt.
Trong trường hợp của Việt Nam, hồi tháng 8/2020, Bộ Tài chính Mỹ kết luận rằng Việt Nam đã can thiệp phá giá VND dẫn đến lợi thế không công bằng của mặt hàng lốp xe hạng nhẹ sản xuất ở Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Trên cơ sở này, DOC đã tiến hành điều tra và ngày 4/11 có kết luận sơ bộ khẳng định vi phạm. Đi kèm với kết luận sơ bộ này là lệnh của DOC, yêu cầu hải quan và biên phòng thu tiền ký quỹ từ các đơn vị nhập khẩu với tỷ lệ từ 6,23 – 10,08 tổng giá trị đơn hàng.