Lao đao mặt bằng cho thuê
(DNTO) - Trước đây, nhiều mặt bằng cho thuê ở những vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM được khách hàng trả thậm chí với mức giá “trên trời” còn khó có thể thuê được, nhưng hiện nay lại phải chủ động chạy đi tìm khách.
Hiện nay, còn rất nhiều mặt bằng ở những tuyến đường tại các quận trung tâm như: Lê Văn Sĩ, Sư Vạn Hạnh, Hồ Văn Huê… đang trong tình trạng cài chốt cửa suốt 2-3 tháng qua bởi nhiều quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng thời trang,... đua nhau trả mặt bằng vì không đủ nguồn vốn cầm cự.
Giảm đến 40% nhưng vẫn "ế"
Chị Huệ Nguyễn có 2 căn nhà cho thuê làm nhà hàng và quán cà phê tại quận 1 và quận 10, TP.HCM. Trước kia, trung bình mỗi tháng chị thu về khoảng 70 triệu đồng từ việc cho thuê 2 mặt bằng này. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị phải giảm giá 20%. Nhưng tiếp sau đó, là những ngày mà người thuê liên tục thất thu bởi dịch nên chị quyết định giảm thêm 20% nữa. Tưởng như mọi thứ đã dần ổn định, bất ngờ người thuê nhà của chị trả mặt bằng vì bị âm vốn trong thời gian dài.
"Từ đầu tháng 8 đến nay, mặt bằng vẫn chưa được ai chào hỏi dù tôi đã giảm giá đến 40%. Tôi cũng đang tìm khách thuê mới, nếu họ đồng ý ký hợp đồng dài hạn thì tôi sẽ giảm giá 30% trong năm đầu tiên", chị Huệ chia sẻ.
Tương tự, anh Lương Bảo Trung có một mặt bằng nằm trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 cho thuê để khách hàng kinh doanh shop thời trang, thu về mỗi tháng 30 triệu đồng. Đợt dịch đầu tiên bùng phát, anh quyết định giảm 30% cho khách hàng, nhưng đến đợt dịch thứ 2 bùng lên, khách hàng quyết định trả lại mặt bằng.
Anh Trung chia sẻ: “Covid-19 khiến shop quần áo của khách hàng của tôi không một bóng người ghé tới. Dù tôi đã giảm 30% nhưng suốt mấy tháng trời, quần áo nằm yên một chỗ nhưng phải chi trả tiền nhân viên và mặt bằng nên người thuê cầm cự không nổi đành trả lại mặt bằng”.
Rơi vào tình trạng “mỏi mòn” khi tìm khách thuê, nhiều chủ nhà quyết định bán luôn mặt bằng, nhưng bán vẫn không xong. Đại diện một công ty bất động sản ở quận 7 cho biết, hiện công ty nhận được khá nhiều lời đề nghị của một số chủ nhà từ việc cho thuê rồi chuyển sang ký gửi để bán luôn.
Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh hiện nay đã ổn hơn trước nhưng vấn đề chính là những căn nhà này chủ yếu dùng để kinh doanh, trong khi tâm lý người mua vẫn chưa ổn định. Có quá nhiều người thua lỗ trong thời gian vừa qua, vì vậy việc bán những mặt bằng này rất khó.
Trước đây tại TP.HCM, các chuyên gia cũng đã cảnh báo về tốc độ tăng giá nhà đã nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến mặt bằng kinh doanh bị đẩy lên cao làm tăng chi phí cho người thuê. Từ đó, sức chịu đựng của người thuê mặt bằng cũng trở nên mỏng manh và dễ bị sốc trước các tác động của nền kinh tế.
Hiên nay, hầu hết các chủ nhà đều phải chạy đua với nhau để tìm khách hàng nên tình hình chung, chủ của các mặt bằng đều giảm 30-40% mức giá so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là thời hạn và điều kiện thanh toán được nới lỏng hơn so với trước kia.
Các chuyên gia chia sẻ, để các loại hình mặt bằng cho thuê này trở về trạng thái ổn định thì bước đầu phải có vắcxin Covid-19, sau khi có vắcxin thì mọi hoạt động mới trở lại được như thông thường. Bên cạnh đó, còn phải phụ thuộc vào tình hình tài chính từ người thuê bởi thời gian vừa qua nhiều nhà kinh doanh đã thua lỗ, âm vốn và tâm lý vẫn còn rất sốc, mọi thứ phải diễn ra trong thời gian dài mới lấy lại cân bằng.