Lạm phát tại Đức tăng kỷ lục trong tháng 9
(DNTO) - Theo dữ liệu ngày 30/9, lạm phát tại Đức tăng kỷ lục trong tháng 9, đánh dấu áp lực của việc gia tăng giá cả, sau khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang dần phục hồi sau cuộc đại dịch Covid-19, và các doanh nghiệp của quốc gia này đang phải vận lộn với tình trạng thiếu nguồn cung.
Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết, giá tiêu dùng được điều hòa để so sánh với dữ liệu lạm phát từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, đã tăng 4,1% so với mức 3,4% trong tháng 8. Đó là tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 1/1997.
Phân tích dữ liệu cho thấy, giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm tăng nhiều nhất.
Lạm phát trong năm nay tăng mạnh là do các yếu tố chỉ xảy ra một lần, từ việc tăng thuế dẫn đến tắc nghẽn nguồn cung và giá hàng hóa tăng cao, đã làm dấy lên cuộc tranh luận về sự cần thiết của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Bundesbank cho biết, lạm phát tại Đức có thể sẽ lên mức cao hơn nữa, và sẽ duy trì trên 2% cho tới giữa năm 2022, vượt qua mục tiêu của ngân hàng trung ương châu Âu với 19 nước sử dụng đồng Euro.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Fritzi Koehler-Geib cho biết, tác động gây lạm phát tăng cao chỉ xảy ra một lần và sẽ biến mất trong năm tới. Tuy nhiên các tác nhân khác như khí gas tự nhiên và thiếu hụt nguồn cung cấp than vẫn có thể tiếp tục gây áp lực lên giá cả.
Bà Koehler-Geib cho biết: “Giá năng lượng cũng đang tăng vì các lí do khác, như việc thiếu hụt than và khí gas, hay vấn đề về việc cung cấp tại Nga và Na Uy”.
“Do đó, giá năng lượng có thể vẫn sẽ ở mức cao cho tới cuối năm nay. Điều này sẽ giữ cho lạm phát tăng cao trên 3% trong những tháng còn lại của năm, trước khi từ từ giảm xuống còn 2% vào giữa năm 2022”, bà Koehler-Geib nhận định.