Kiến trúc sư Việt 'xây nhà người thì giỏi, làm thương hiệu mình thì dở'
(DNTO) - Những người làm kiến trúc, xây dựng ở Việt Nam vẫn chủ yếu chú trọng vào chuyên môn, quan tâm đến chất lượng công trình, mà chưa biết cách xây dựng thương hiệu cho cá nhân và doanh nghiệp.
Ông Dylan Yip, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO cho biết, 2023 là một năm khó khăn với tất cả các lĩnh vực/ngành hàng khi nền kinh tế toàn cầu chạm đỉnh suy thoái, tác động trực tiếp đến mức độ chi tiêu của người dân. Trong bối cảnh đó, việc làm sao cạnh tranh được với các đối thủ trong ngành để trở nên nổi bật, thu hút khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Với lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng Việt Nam, năm 2023 sẽ đối mặt với tình trạng nhu cầu xây dựng thấp, cạnh tranh cao cả với các đối thủ nội và ngoại…, buộc các doanh nghiệp phải tìm định hướng phát triển mới.
Có một thực tế rằng, kể cả khi khách hàng có nhu cầu thì để chọn được một đơn vị thiết kế, một đơn vị thi công hay một kiến trúc sư phù hợp với nhu cầu mỗi cá nhân giữa một “ma trận” trên internet là một điều vô cùng khó. Phần lớn đều thông qua người giới thiệu hoặc qua các công ty môi giới, tư vấn.
Hiện Việt Nam chưa có một sàn giao dịch hay sân chơi chung nào cho các cá nhân, đơn vị trong ngành để tự quảng bá, giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn. Bản thân nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc làm thương hiệu nổi bật để thu hút khách hàng, từ đó trực tiếp thúc đẩy doanh số, tăng trưởng kinh doanh.
"Có ý kiến cho rằng, những người kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất… là những người làm nghề, quan tâm đến chất lượng công trình hơn là làm tên tuổi cho mình, cho công ty hay chính công trình đó. Cũng bởi vậy, tạo ra tình trạng: kiến trúc sư Việt “xây nhà người thì giỏi, làm thương hiệu mình thì dở”. Với bề dày văn hóa lịch sử và nhân công tay nghề cao, ngành kiến trúc Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, vươn ra khu vực và thế giới nếu khắc phục được những hạn chế đang tồn tại", ông Dylan Yip cho biết.
Kiến trúc sư Tan Quee Peng, Tổng Giám đốc RSP Việt Nam, cố vấn chuyên môn của Tổ chức Giải thưởng châu Á chia sẻ trong buổi tọa đàm: “Tôi luôn tin rằng, đằng sau mỗi một sản phẩm, mỗi một thiết kế đều có một câu chuyện độc đáo. Vậy, tại sao chúng ta không chia sẻ những câu chuyện này và tạo ra dấu ấn thương hiệu cho chính cá nhân và doanh nghiệp mình? Xây dựng thương hiệu không chỉ thể hiện kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức để tạo ra sự khác biệt mà còn giúp họ lan tỏa những giá trị thúc đẩy trực tiếp sự phát triển của ngành kiến trúc – xây dựng tại Việt Nam”.
Ông Tan cũng chia sẻ yếu tố 3A trong xây dựng thương hiệu cá nhân: Sự bắt mắt (Appeal), Sự kết nối (Affection) và Sự điều chỉnh (Alignmentt).
Sự bắt mắt (Appeal): Chiến dịch thương hiệu giống như một kiến trúc sư cần thể hiện điểm mạnh và nét độc đáo của tòa nhà sao cho thu hút ánh nhìn của người qua đường, bằng cách tạo ra các khái niệm và hình ảnh sáng tạo để truyền tải sự độc đáo và khác biệt của doanh nghiệp. Tác động trực quan mạnh mẽ là chìa khóa trong bối cảnh cạnh tranh cao ngày nay.
Sự kết nối (Affection): Sự thành công của chiến dịch thương hiệu phụ thuộc vào cách khách hàng cảm thấy có sự kết nối, bằng cách thể hiện những khoảnh khắc yêu thương, sau đó là một loạt câu chuyện được kể từ phía doanh nghiệp cho khách họ. Tạo sự hấp dẫn về cảm xúc thông qua các thiết kế bạn trình bày, mang đến cho khán giả cơ hội trải nghiệm tầm nhìn của công ty và đồng cảm với nó.
Sự điều chỉnh (Alignment): Sử dụng nền tảng khác nhau để khởi chạy hình ảnh sáng tạo, cũng như tăng tương tác với khách hàng mục tiêu, giới thiệu các thiết kế. Hình ảnh phải nắm bắt được các khía cạnh sáng tạo và nghệ thuật của kiến trúc, làm nổi bật các giải pháp độc đáo mà công ty cung cấp.
Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group chia sẻ, ngành kiến trúc, thiết kế của Việt Nam cần có cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu, đưa những giá trị sáng tạo độc đáo của ngành kiến trúc Việt Nam đến với thị trường tốt hơn. Ngành kiến trúc vẫn còn ở giai đoạn tư duy “hữu xạ tự nhiên hương”, cần có đổi mới.
Sau buổi tọa đàm tại Việt Nam, Tổ chức Giải thưởng châu Á sẽ thực hiện tọa đàm với chủ đề “Hướng tới một châu Á đột phá” tại Singapore vào tháng 3 tới.