Iran huyền bí
(DNTO) - Iran là một quốc gia đáng đi để tìm hiểu về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc Hồi giáo cũng như ý chí tự lực tự cường mạnh mẽ của dân tộc này. Với 7.000 năm lịch sử, từng là một đế quốc Ba Tư hùng mạnh, Iran có nhiều di tích hút hồn khách tham quan.
Một.
Sau 2 giờ 30 phút bay từ Istanbul, máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Imak Khomeni, thủ đô Tehran, Iran. Nhìn từ máy bay chỉ thấy những sa mạc khô cằn. Thủ tục nhập cảnh tại sân bay khá chậm vì có 6 line, người nước ngoài xếp thành 2 hàng dài. Chúng tôi sợ ở Iran không cho phép bán rượu nên mua vài chai ở sân bay Istanbul. Tuy nhiên, khi nhập cảnh mới biết là không thể mang rượu vào Iran.
Sân bay cách thủ đô Tehran khoảng 40km. Đường giao thông của Iran rất tốt, xa lộ cho phép chạy đến 120km/h. Tuy nhiên, vào trung tâm thì xe bị kẹt cứng ở nhiều đoạn. Xe hơi ở Iran chủ yếu được sản xuất trong nước, bên cạnh các thương hiệu xe của Pháp (Peugot, Renault) và Hàn Quốc (Huyndai, Kia). Hai bên đường có nhiều bảng quảng cáo cho Samsung Galaxy. Chúng tôi vào một tiệm thuốc tây và tiệm tạp hóa ở Tehran để mua nước uống, đồ ăn nhẹ. Hàng hoá ở đây phong phú, không có dấu hiệu của sự thiếu thốn hay bị cấm vận.
Một điều đặc biệt, vì Iran có trữ lượng 10% dầu thô của thế giới nên giá xăng ở đây rẻ hơn nước suối. Chính phủ bao cấp cho người dân 40 lít xăng đầu tiên trong tháng, chỉ phải trả khoảng 2.800 VND/ lít. Từ lít thứ 41 là 4.900 VND/lít. Trong khi đó, 1,25 lít nước suối có giá 7.000 VND. Tỷ giá hiện nay ở Iran là 1 USD = 33.000 Rial, tức là giá trị đồng Rial của Iran thấp hơn 30% so với VND.
Hai.
Trước khi đến đây, tôi hình dung phụ nữ Iran sẽ trùm khăn kín mít. Nhưng không phải vậy. Phụ nữ Iran khá đẹp, khi chưa lập gia đình, họ chỉ trùm khăn che một nửa mái tóc. Khi ngồi trên xe hơi, họ không phải trùm đầu. Những người dân Iran mà tôi gặp đều khá thân thiện và cười tươi. Họ thích chụp hình chung với chúng tôi – những người nước ngoài.
20g, một người anh đang làm việc tại Iran ghé đón chúng tôi đi ăn tối. Trên đường đi, chúng tôi ghé cầu đi bộ 3 tầng khá nổi tiếng ở Iran, đây cũng là công viên và người dân Tehran đến đây nghe nhạc, đi bộ, chụp hình và ăn tối. Người dân Iran ăn tối khá muộn, sau 21g. Chúng tôi đến một nhà hàng địa phương, thưởng thức món sườn cừu nướng, ăn cùng cơm trộn bơ. Nhà hàng này có dàn nhạc địa phương và ca sĩ hát rất hay. Đồ ăn ngon, khai vị bằng bánh ngọt, tráng miệng bằng trái cây địa phương, giá tiền cũng vừa phải.
Ba.
Chúng tôi đến thăm Golestan Palace, di sản thế giới. Đây là cung điện hoàng gia của Iran trong suốt hơn 130 năm (1794-1925), chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước Ba Tư. Ấn tượng lớn nhất của tôi với Golestan Palace là tính hiếu khách, cởi mở của người dân Iran, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong hơn 2 giờ tham quan ở đây, chúng tôi đã chụp hình chung với nhiều thanh niên Iran.
Điểm nhấn trong ngày đến từ buổi ăn trưa. Anh Hải - Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran mời chúng tôi đến nhà hàng Sandiz, nổi tiếng nhất Tehran với món cừu nướng. Chúng tôi đến nhà hàng vào lúc 14g và thấy một đám đông đang xếp hàng chờ đến lượt mình. Tôi đã ăn thịt cừu ở Úc, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ… nhưng chưa bao giờ ăn ngon như ở đây. Thịt cừu được xiên que và nướng. Thịt ngọt, không có mùi hôi của cừu. Khi vừa ăn xong, ngay lập tức người quản lý đến bàn chúng tôi để cảm ơn và mời đứng dậy ra về để có bàn cho khách đang chờ.
Tôi ở thủ đô Tehran 3 ngày, sau đó đi xe đến Esfahan. Đúng là danh bất hư truyền, Esfahan có thể được xem là thành phố đẹp nhất của Iran. Một trong những nét đẹp đó chính là các cây cầu. Tôi đã đến thăm 2 cầu nổi tiếng nhất là cầu Khaju và Siosepol. Cầu Khaju, 400 năm tuổi, bắc qua con sông Zayandeh. Đây là cây cầu cổ nổi tiếng nhất đất nước Iran cũng như toàn bộ thế giới Hồi giáo, được bình chọn là cây cầu đẹp nhất thế giới.
Còn cầu Siosepol được xây dựng năm 1602 bởi Vua Abbas và nổi tiếng vì có 33 nhịp cầu. Các cây cầu ở Iran mang ý nghĩa là nơi gặp gỡ, vui chơi, có giá trị lịch sử hơn là công dụng đưa người đi qua sông.
Chúng tôi ở tại khách sạn Abbasi - Esfahan, được xây dựng từ thế kỷ 16. Trong lòng khách sạn có quán cà phê sân vườn và phòng trà rất rộng. Rất đông người dân địa phương và khách du lịch đến ăn uống, dạo chơi khi màn đêm buông xuống. Phòng khách sạn khá cổ, được trang trí họa tiết đặc trưng của văn hoá Ba Tư nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Khách sạn Abbasi được xem là một biểu tượng, là niềm tự hào của Esfahan.
Rời Esfahan, chúng tôi đi xe hơn 450km để đến Persepolis. Trong tiếng Hy Lạp, Persepolis có nghĩa là “Thủ đô của Ba Tư”. Persepolis có một lịch sử lừng lẫy với các cung điện, dinh thự, sảnh đường nguy nga. Persepolis là biểu tượng cho sự giàu có của đế chế Ba Tư bởi nền kiến trúc to lớn, công trình xa hoa với vàng bạc và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.
Năm 320 trước Công nguyên, Alexander Đại đế từ xứ Macedonia, sau khi chinh phục Hy Lạp đã đánh đến Ba Tư. Ông đến thành Persepolis và sau 2 tháng, Alexander Đại đế đã đốt thành Persepolis để trả thù cho thành Athens trước kia. Trước khi thành Persepolis bị đốt, Alexander Đại đế đã vơ vét toàn bộ châu báu trong ngân khố của thành, chất lên ba nghìn con lạc đà, chuyên chở về xứ Macedonia của mình. Ông cũng cho bóc hết những lớp vàng dát lên cột đá, lên những bức phù điêu trên tường, trên các cầu thang.
Xứ Ba Tư hồi ấy nổi tiếng nhiều vàng bạc châu báu, giàu sang bậc nhất thế giới. Cung điện một trăm cột đá giờ chỉ còn những cái bệ cẩm thạch, bên cạnh lăn lóc những mảnh vỡ thân cột vốn cao ngất. Ở lối cổng Toàn xứ Môn (Gate of All Nations) vẫn còn ba cái cột đá cao gần hai chục mét, trên đỉnh vốn là pho tượng những con vật đầu chim, mình sư tử. Dù thời gian và chiến tranh đã tàn phá hầu hết Persepolis nhưng những giá trị văn hóa và kiến trúc của Persepolis vẫn luôn tồn tại. Persepolis chính là minh chứng vĩ đại cho sự hưng thịnh của đế quốc Ba Tư cổ đại. Năm 1979, Persepolis đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Sau khi đến Esfahan và Persepolis, tôi tin rằng Iran là một quốc gia đáng đi để tìm hiểu về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc Hồi giáo cũng như ý chí tự lực tự cường mạnh mẽ của dân tộc này. Với 7.000 năm lịch sử, từng là một đế quốc Ba Tư hùng mạnh, có những phát minh quan trọng về y học, quân sự và khoa học, Iran có nhiều di tích hút hồn khách tham quan. Ngay cả đền Taj Mahal ở Ấn Độ cũng do kiến trúc sư Ba Tư góp tay xây dựng và nét kiến trúc của nó cũng chịu ảnh hưởng Ba Tư.
Bốn.
Mặc dù nền công nghiệp du lịch của Iran chưa phát triển mạnh do cấm vận kinh tế nhưng trong giai đoạn vừa qua, du lịch nước này tăng trưởng với tốc độ hơn 10% mỗi năm. Lượng du khách nước ngoài đến Iran đạt ngưỡng 3 triệu người, góp hơn 2 tỷ USD cho nền kinh tế. Những ngày vừa qua, tôi thấy cuộc sống ở Iran an ninh và an toàn. Người dân thân thiện, cởi mở. Chỉ có điều đáng tiếc là 100% người Iran gặp tôi đều chào "Nị hào" hoặc "Are you Chinese?".
Ăn uống ở Iran cũng không đắt. Qua tìm hiểu, với một bữa ăn trưa ở những quán trung bình, mỗi người sẽ phải trả 60.000 - 100.000 rial, tức khoảng 40.000- 70.000 VND. Nếu ăn ở nhà hàng sang trọng nhất Tehran, tôi cũng chỉ phải trả khoảng 500.000 VND/người. Bữa ăn ở Iran phổ biến với các món cừu, gà nướng, rau xanh, ô liu ngâm ăn với bánh mì hoặc cơm trắng có sefron, cơm trộn rau thì là. Tất nhiên, nổi tiếng nhất Iran vẫn là món kebab.
Chi phí đi lại cũng rẻ do giá xăng rẻ. Hệ thống giao thông rất tốt. Ở khách sạn lớn cũng không quá đắt. Ở Esfahan, chúng tôi gặp gỡ và trao đổi với một số doanh nhân thành công ở địa phương. Họ hiếu khách, mong muốn được nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Mặc dù cấm vận nhưng đa số doanh nhân đều sử dụng điện thoại iPhone, Samsung. Trên đường phố có nhiều cửa hàng bán điện thoại ghi bảng hiệu là Apple. Các thương hiệu nổi tiếng khác của Mỹ vẫn đang được sản xuất tại Iran như Pepsi, Coca Cola...
Tuy nhiên, việc truy cập Internet ở Iran rất hạn chế. Facebook bị chặn hoàn toàn. Vì vậy, số người truy cập Internet ở đất nước này khá thấp, khoảng 12/ 80 triệu dân số. Trong khi đó, Iran là quốc gia có dân số trẻ, trên 40 triệu người dưới 30 tuổi. Đang có một chiến lược quốc gia về tăng dân số ở Iran từ 80 triệu lên 200 triệu người.