Khủng hoảng việc làm trên thế giới và quả bom nổ chậm với nền kinh tế

(DNTO) - Cuối tháng 11, thế giới ghi nhận số lượng việc làm mới tạo ra có mức tăng cao kỷ lục. Nhưng bên cạnh đó, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc hoặc buộc thôi việc cũng gia tăng không kém.
Trong hai tháng 9 và tháng 10, Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 11 triệu việc làm mới được tạo ra, mức tăng kỷ lục kể từ sau Thế chiến thứ hai. Đặc biệt, số lượng việc làm còn trống tại Bắc Mỹ trong quý IV năm nay được dự báo lên đến 20 triệu việc làm, nhiều hơn tháng trước 5 triệu. Giữa những tín hiệu lạc quan về cơ hội việc làm cho nền kinh tế thế giới, cũng có những lo ngại về khả năng người lao động “lười” trở lại văn phòng, đe doạ triển vọng phục hồi kinh tế.

Cơ hội việc làm vẫn rộng mở bất chấp sự khó khăn từ đại dịch. Nguồn: The Guardian
Những con số đáng lo ngại
Số lượng việc làm mới được tạo ra tại Bắc Mỹ tăng nhanh, đánh dấu sự trở lại của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19. Theo số liệu mới nhất từ WSJ, chỉ trong 10 tháng của năm 2021, đã có đến 30 triệu việc làm được đăng ký mới, tăng hơn 120% so với năm 2020. Mức tăng này tương đương với báo cáo số liệu việc làm mới tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Việc làm Hoa Kỳ, tỷ lệ nhóm việc làm tăng nhiều nhất thuộc về nhóm công việc Tài chính - Chứng khoán và Dịch vụ Logistics, trong đó nhóm việc làm từ độ tuổi 25 tới 31 là tăng mạnh nhất.
Nick Bunker, chuyên gia kinh tế tại Indeed cho biết: “Nếu tính luôn cả những công việc thời vụ, chúng tôi có thể thấy nhu cầu đối với các vị trí bán lẻ và hậu cần đang tăng cao hơn bao giờ hết. Nhu cầu về hàng hóa nội địa đã tăng mạnh trong thời gian đại dịch bùng phát, và giờ đây đang đẩy mạnh hơn nữa."
Không chỉ gói gọn trong nhóm ngành dịch vụ, những ngành sản xuất cũng gặp phải rào cản lớn từ sự thiếu hụt lao động có chuyên môn. Theo số liệu từ tờ Business Insider cho biết, chỉ tính riêng tại Bắc Mỹ hiện đang thiếu hơn 2 triệu lao động trong nhóm ngành nghiên cứu chế tạo, kỹ sư công nghệ phục vụ sản xuất hậu đại dịch. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những tiểu bang có kinh tế phụ thuộc lớn đến chế tạo như Nevada, Texas, California.
Tuy nhiên, phần lớn con số lao động bị thiếu hụt này lại không xuất phát từ nguyên nhân khách quan, mà xuất phát từ nhu cầu lao động muốn chuyển đổi nghề đang rất lớn.

Triển vọng phục hồi kinh tế có nguy cơ chậm lại từ việc người lao động bỏ việc nhiều. Nguồn: Marketwatch
Người lao động tìm kiếm cơ hội khác
Với Nakisha Hicks, một phó giám đốc nhân sự hiện đang làm việc tại Nashville, Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức và cũng tạo nên cơ hội để đánh giá lại các ưu tiên nghề nghiệp lâu dài của cô. Trách nhiệm của cô trước đây là phải quản lý chiến lược nhân sự của tập đoàn nơi cô làm việc trong suốt đại dịch. Khi công nhân đối mặt với khả năng bị sa thải trong đại dịch và dự tính thay đổi công việc, Hicks đã tổ chức các hội thảo Zoom để tiếp cận với nhóm nhân viên nhỏ, đồng thời cũng xây dựng cơ sở khách hàng của mình.
Nhưng áp lực liên quan đến việc cắt giảm 85% nhân viên công ty đã khiến Nakisha Hicks suy nghĩ và quyết định nghỉ việc, để thử sức với một lĩnh vực hoàn toàn khác.
Nakisha không phải là trường hợp duy nhất có những quyết định này. Thống kê của Ủy ban Việc làm Hoa Kỳ cho biết, hơn 4.4 triệu lao động đã nghỉ việc trong 2 tháng cuối năm nay, số liệu này cao hơn đến 30% so với quý 2 năm nay. Tờ Business Insider đã làm một cuộc khảo sát với những lao động nghỉ việc, theo đó hơn 60% nghỉ vì họ không muốn tiếp tục làm việc dưới áp lực của công ty, 15% không muốn lên văn phòng làm việc mà muốn tiếp tục làm tại nhà.
Theo một cuộc khảo sát với 3.600 người lao động trong nhóm ngành sản xuất tại Mỹ do nhà sản xuất phần mềm Qualtrics công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ phụ nữ sẵn sàng thay đổi vai trò công việc ngày càng tăng. Khoảng 63% nữ quản lý cấp trung cho biết họ dự định tiếp tục làm việc vào năm tới, giảm so với 75% vào năm 2021, trong khi 58% phụ nữ ở các vai trò không quản lý cũng nói như vậy.
Sự thiếu hụt các vị trí việc làm dự kiến sẽ không giảm trong thời gian tới, do các doanh nghiệp cạnh tranh để tìm nhân công cho kỳ nghỉ lễ. Các nhà tuyển dụng đang tăng lương và đưa ra các phúc lợi như đào tạo và ký kết tiền thưởng để thu hút người lao động. Trong khi đó, người lao động lại thể hiện khả năng chủ động của họ, bằng cách bỏ việc với tỷ lệ cao nhất trong lịch sử.
Andrew Corbett, người điều hành trung tâm phân phối và đổi mới cho NTT DATA Services, một công ty tư vấn công nghệ thông tin toàn cầu, ở Nashville, Tenn, cho biết: “Đây là một thời gian đầy thách thức đối với việc tuyển dụng, đặc biệt là đối với những người có kỹ năng kỹ thuật phức tạp".