Khủng hoảng ca cao Tây Phi đẩy giá chocolate tăng liên tiếp
(DNTO) - Nông dân ở Bờ Biển Ngà và Ghana đang phải đối mặt với mùa thu hoạch thảm họa, dẫn đến giá ca cao dâng lên mức kỷ lục.
Từ lâu được xem là “vựa chủ chốt” ca cao của thế giới, chiếm đến hơn 60% sản lượng toàn cầu, Ghana và các quốc gia Tây Phi trong vùng Bờ Biển Ngà đang phải đối diện với một mùa thu hoạch thảm họa.
Lo ngại thiếu hụt hạt ca cao, nguyên liệu để làm chocolate, đã đẩy giá hợp đồng tương lai ca cao trên sàn giao dịch New York lên gấp đôi chỉ trong năm nay. Mức giá này liên tiếp đạt kỷ lục mới trong từng ngày qua, một hiện tượng chưa từng có và dường như không có dấu hiệu thuyên giảm.
Đã có hơn 20 nhà nuôi trồng, chuyên gia trong ngành cảnh báo với giới báo chí rằng đang có một “cơn bão hoàn hảo” đang hình thành cho ngành ca cao, hậu quả quy tụ từ tệ nạn khai thác vàng bất hợp pháp, thay đổi khí hậu, quản lý sai trái và bệnh cây trồng lan rộng.
Trong đánh giá đáng ngại nhất lịch sử, theo dữ liệu được tổng hợp từ năm 2018, ban tiếp thị ca cao Cocobod của Ghana ước tính rằng 590.000 hecta đồn điền đã bị nhiễm chồi sưng, một loại virus làm chết cây.
Ngày nay, Ghana có khoảng 1,38 triệu hecta đất trồng ca cao, con số mà Cocobod cho biết bao gồm cả những cây bị nhiễm bệnh nhưng vẫn còn có thể thu hoạch.
Steve Wateridge, một chuyên gia về ca cao của Tropical Research Services cho biết: “Trong thời gian dài, sản lượng có chiều hướng đi xuống”. “Chúng ta đang ở bờ vực khủng hoảng, với vụ mùa thấp nhất trong 20 năm ở Ghana và thấp nhất trong 8 năm ở Bờ Biển Ngà”.
Các chuyên gia cho biết đây là một thực trạng rắc rối không dễ giải quyết. Đây là một sự kiện đang gây chấn động thị trường vì nó có thể đặt dấu chấm cho ngôi vị thống trị ngành ca cao của Tây Phi. Điều đó có thể mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất mới nổi, đặc biệt là ở Mỹ Latin và Nam Á.
Trong khi hàng triệu nông dân trồng ca cao ở Tây Phi đang phải đau đớn, thì sự thay đổi cũng được cảm nhận rõ ràng ở các thị trường tiêu dùng giàu có trong nhiều năm tới. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu NielsenIQ, những người mua sắm bánh kẹo Phục sinh ở Hoa Kỳ đang nhận ra rằng chocolate trên các kệ hàng đã đắt hơn 10% so với một năm trước.
Do các nhà sản xuất chocolate có xu hướng phòng hộ mua ca cao trước nhiều tháng, các nhà phân tích cho biết mùa màng thảm họa ở Tây Phi sẽ chỉ thực sự ảnh hưởng đến người tiêu dùng vào cuối năm nay.
Tedd George, chuyên gia về hàng hóa châu Phi của Kleos Advisory, cho biết: “Loại chocolate mà chúng ta thường ăn sẽ trở thành một thứ xa xỉ”. “Nó sẽ vẫn có sẵn, nhưng với giá đắt gấp đôi.”