'Không để ai bị bỏ lại phía sau': Tập trung cho doanh nghiệp siêu nhỏ
(DNTO) - Năm triệu hộ kinh doanh trên cả nước, họ đã và đang thuộc nhóm đóng góp không nhỏ cho GDP quốc gia, nhưng hầu hết trong số họ đang khó khăn và nằm ngoài khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của quốc gia.
LTS: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng đợt bùng phát dịch Covid-19. Bởi hơn lúc nào hết sự an toàn của người lao động chính là sự sống còn của doanh nghiệp.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng để sử dụng và tiếp nhận các gói hỗ trợ nào cũng đều là ngân sách nhà nước, là nguồn thu là từ đóng thuế của doanh nghiệp và trong đó có các doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, với năm tài khóa mới Chính phủ cũng cần có kế hoạch giải ngân các gói hỗ trợ của năm cũ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Thân phận hộ kinh doanh sẽ đi về đâu?”
Trên cơ sở đó ngay trong đại dịch bùng phát lần thứ 4 chúng ta cần cân nhắc, đánh giá sâu sắc các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực doanh nghiệp này để có kế hoạch triển khai, tiếp tục giải ngân các gói hỗ trợ sao cho hiệu quả, kịp thời hỗ trợ những đối tượng được “định vị” trong gói hỗ trợ này, bao gồm các thành phần người dân và nên chăng cần tập trung cho doanh nghiệp siêu nhỏ, mà phía sau họ là những người lao động giao kết công việc nhưng chưa có hợp đồng lao động và hợp đồng thời vụ.
Với gần 70% là lao động tự do (trong tổng số 54 triệu lao động hiện tại theo báo cáo của Tổng Cục thống kê), làm việc và đóng góp lao động của các hộ kinh doanh là không hề nhỏ. Nhưng hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân có chỉ số tiếp cận nguồn lực hỗ trợ lại thấp nhất trong các loại hình kinh tế. Hộ kinh doanh tồn tại và phát triển chủ yếu dựa vào năng lực tự sinh, không có khả năng sử dụng các đòn bẩy kinh tế để duy trì phát triển kinh doanh.
Trong quan hệ tín dụng, hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ phải dùng toàn bộ tài sản của cá nhân đảm bảo cho các khoản tín dụng, điều này rủi ro hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp.
Ở Việt Nam, hộ kinh doanh đóng góp 30% vào GDP quốc gia. Thực tế, nếu không có hộ kinh doanh, số lực lượng lao động thiếu kỹ năng sẽ không có đủ việc làm trong khi hệ thống an sinh xã hội còn yếu kém sẽ là vấn đề lớn với kinh tế - chính trị - an ninh của một quốc gia còn nằm trong danh sách nghèo.
Còn tiền để làm gì?
Nếu chúng ta thực hiện một cuộc khảo sát nào đó, tin rằng khảo sát nhóm đối tượng này, và phía sau là hàng chục người lao động vô cùng mong đợi được tiếp cận gói vay chi lương 0%, để hỗ trợ lãi và “giữ lửa” cho họ có thể trở lại hoạt động sau trận đại dịch toàn cầu.
Trong khi đó, gói vay chi lương 16.000 tỷ đồng, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sau thời gian triển khai, cả nước có 245 doanh nghiệp vay được gói ưu đãi có lãi suất 0% một năm. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân đạt gần 43 tỉ đồng để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Tính đến ngày 15-4, 11 doanh nghiệp đã trả hết nợ cho gói tín dụng này. Hiện dư nợ của chương trình còn khoảng 39 tỉ đồng với 234 doanh nghiệp đang vay.
Theo đó, tính trong tổng số vốn của chương trình là 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho người lao động do tác động của đại dịch Covid-19, số tiền cho vay chỉ chiếm 0,27%. Lưu ý là gói vay chi lương này đã được điều chỉnh hạ tiêu chí tiếp cận gói vay sau lần một không có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Mà sau điều chỉnh, yêu cầu ngặt nghèo vẫn phải là “Người sử dụng lao động có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên”. Rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ có thể đáp ứng được tiêu chí này. Và gói vay 16.000 tỷ đồng đã đóng lại từ 31/1/2021 mà tỷ lệ giải ngân gần như không thấm tháp vào đâu.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần ưu tiên rà soát, có danh sách chính sách cho những đối tượng đang yếu thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách nhưng lại là nguồn nhân lực bền bỉ đóng góp cho nền tảng phát triển kinh tế quốc gia.
Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho khách hàng sử dụng điện. Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.