Không có giới hạn cho sức tăng trưởng của các hãng công nghệ khổng lồ - Bài 1: Gánh nặng của tầm cỡ
(DNTO) - Sức tăng trưởng của các hãng công nghệ khổng lồ ở Mỹ có vẻ như không có giới hạn. Nhưng thực tế, chính kích cỡ khổng lồ đó lại là chướng ngại cho các công ty này.
Trong năm 2022, hiện tượng hậu Covid đã tạo ra một thời kỳ lụn bại của ngành công nghệ, nhưng nay các công ty điện tử lớn nhất thế giới đang “gào rú” quay trở lại ngôi vị khi xưa.
Cổ phiếu của Alphabet, Amazon và Meta đã leo trở lại mức đỉnh điểm của 2021. Còn cổ phiếu Microsoft và Apple đang ở mức cao hơn bao giờ hết.
Gần như không giới hạn
Tuần trước, Alphabet, Meta và Microsoft đã báo cáo lợi nhuận quý 2 vô cùng vững chắc, nối đuôi sau thành công của quý 1. Trong thời kỳ giữa tháng 1 và tháng 6 của năm nay, ba công ty này đã thu vào 106 tỷ đô la lợi nhuận hoạt động, tăng 9 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả các nhà làm luật cũng khó có thể cản trở đà bành trướng của các công ty khổng lồ này. Tháng trước, một tòa án đã bác bỏ nỗ lực của cơ quan chống độc quyền để cản trở thương vụ sáp nhập giữa Microsoft và hãng phát triển game giải trí Activision Blizzard. Trong khi đó thị trường chứng khoán cũng chẳng mấy lo ngại đến các nỗ lực kiểm soát của chính quyền, chẳng hạn như bộ luật mới về thị trường số của châu Âu.
Hơn thế nữa, giới đầu tư đang trông đợi các hãng này ứng dụng “kho tàng” kiến thức và hầu bao dồi dào để khai thác thành quả của công nghệ trí thông minh nhân tạo. Cổ phiếu của Alphabet, Amazon và Meta đã leo trở lại mức đỉnh điểm của 2021. Còn cổ phiếu Microsoft và Apple đang ở mức cao hơn bao giờ hết.
Gánh nặng của tầm cỡ
Tuy vậy, những “con quái thú” ngành công nghệ này lại có một chướng ngại khá là đáng ngạc nhiên cho tiềm năng tăng trưởng: Kích cỡ ngoại cỡ của chính họ. Trong những năm sắp tới, đây sẽ là bài toán hóc búa nhất cho các công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ.
Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft chiếm vị thế thống trị trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trên bảng S&P 500, 5 hãng này chiếm đến 9% tổng lượng giao dịch, 16% lợi nhuận và 22% vốn hóa thị trường. Năm ngoái, vốn chi tiêu của họ lên đến 360 tỷ đô la và chiếm 10% tổng vốn đầu tư của tất cả các doanh nghiệp tại Mỹ.
Nhưng sức tăng trưởng bền bỉ của những công ty này là trường hợp đặc biệt trong lịch sử tư bản. Khi ExxonMoil và GE còn là những tượng đài của nền kinh tế Mỹ vào thập niên 1990 và 2000, doanh thu của họ tăng bình quân 5-6% mỗi năm và lợi nhuận là vào khoảng 5-6%. Trong khi các công ty công nghệ kỹ thuật số liên tục giữ mức tăng trưởng 13-16% trong vòng một thập kỷ qua.
Để giữ vững mức tăng trưởng doanh số trung bình 28% như hiện nay, Alphabet cần phải thu vào 86 tỷ đô la trong 2024, cao hơn tổng doanh thu của 461 doanh nghiệp nhỏ trên bảng S&P 500. Đến 2025, con số này sẽ lại dâng lên 111 tỷ đô la và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.
Với Meta, họ sẽ phải thêm vào 25 tỷ đô la trong năm sau để giữ mức tăng trưởng trung bình như hiện tại. 25 tỷ đô la cũng là bằng với vốn hóa thị trường của Verizon, một trong những nhà cung cấp dịch vụ mạng hàng đầu tại Mỹ.
Giữ mức tăng trưởng lớn như thế trong một thời gian dài là một thử thách có phần quá đáng. Nhưng các lãnh đạo công ty cũng như các nhà đầu tư sẽ không muốn chậm lại. Nếu như thế, họ sẽ có ba lựa chọn chiến lược.