Hơn 100 y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương trở thành người mẫu chương trình nghệ thuật Mầm sống
(DNTO) - Chương trình nghệ thuật Mầm sống do Nhà thiết kế Minh Hạnh dàn dựng với sự tham gia của hơn 100 y, bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương trong vai trò ca sĩ , người mẫu... với thông điệp ca ngợi những hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc cùng chung sức để các mầm sống được chào đời khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Ngành Y, trong quan niệm của xã hội là một nghề cao quý. Bởi lẽ niềm tin của mọi người đặt để cho nghề Y là phục vụ con người, mục đích là sức khỏe, hạnh phúc. Chính vì vậy mà ngành Y đòi hỏi về trình độ, đạo đức khắt khe hơn. Với ngành Y, một sai sót nhỏ có thể gây ra hậu quả nặng nề, không gì cứu vãn, bởi đó là sinh mệnh của con người. Vì thế ngành Y đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mi, chính xác nhất.
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Bệnh viện Hùng Vương, Hội LHPN TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM cùng tổ chức chương trình nghệ thuật Mầm sống với mong muốn chia sẻ và lan tỏa đến mọi người về những đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ các y bác sĩ, trong việc đồng hành cùng các bà mẹ để cho các mầm sống được chào đời khoẻ mạnh, là những mầm xanh tương lai của đất nước.
Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ già hóa dân số được xếp trong những hạng nhanh nhất thế giới.
Hậu quả của già hóa dân số ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội và cả an ninh quốc phòng. Sự già hóa dân số không chỉ là kết quả của thành tưụ Y khoa trong việc gia tăng tuổi thọ trung bình mà còn là hậu quả của giảm mạnh tỷ lệ sinh trong những năm qua.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê ngày 29/12/22, tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 1.39 con/phụ nữ và đặc biệt không đạt mức sinh thay thế.
"Thiên chức làm mẹ của người phụ nữ vừa rất tự nhiên nhưng lại rất cao cả nhằm đảm bảo duy trì và phát triển xã hội, đồng thời góp phần làm chậm già hóa dân số. Song hành trình ấy cũng có nhiều phụ nữ gặp những khó khăn từ bệnh tật đến tài chánh, mà nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, sự đồng hành của cộng đồng, chắc hẳn họ sẽ không thể nào vượt qua.
Vì thế, chúng tôi mong muốn tất cả chúng ta cùng chia sẻ, cùng đồng hành với những phụ nữ kém may mắn để có thêm những đứa trẻ không phải mồ côi mẹ vì bị bỏ rơi, để có thêm những gia đình tràn ngập tiếng cười, yêu thương và hạnh phúc".
"Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, một ngày rất thiêng liêng của những người làm nghề Y, ngày tri ân và tôn vinh những cống hiến, hy sinh của các y bác sĩ, trong khuôn khổ của Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi xin được nói một chút về công việc của những người phụ nữ thầm lặng, những người luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe người khác, mang niềm vui, nụ cười cho các gia đình mỗi khi chào đón những mầm sống ra đời.
Đó chính là những y bác sĩ Phụ sản. Công việc của chúng tôi là chăm sóc và chia sẻ với sản phụ trong quá trình “vượt cạn”, những người mẹ đỡ đầu chăm sóc cho các mẹ và bé từ những ngày đầu còn phôi thai trong bụng mẹ cho đến khi hình hài được hoàn chỉnh để đón nhận những tia nắng đầu tiên trong cuộc đời", bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.
Cùng đồng cảm với các y bác sĩ, nhà thiết kế Minh Hạnh đã lên ý tưởng, chuyển tải thành chương trình nghệ thuật đặc biệt, thể hiện được câu chuyện không chỉ qua các bộ sưu tập áo dài, những ca khúc ca ngợi các thầy thuốc áo trắng, như những bà tiên, mà còn khái quát được vấn đề trách nhiệm xã hội của các bậc làm cha mẹ, cảnh tỉnh lối sống của một bộ phận các bạn trẻ thiếu ý thức về sức khoẻ sinh sản, tình dục, bỏ rơi trẻ sơ sinh tại bệnh viện,...
"Trên thực tế, y bác sĩ phụ sản không chỉ là đỡ đẻ và còn đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tiền sinh và phụ khoa hậu sinh cho các bà mẹ, vì thế được mọi người yêu quý và tôn trọng gọi bằng những cái tên trìu mến như “bà mụ” “bà tiên đỡ đầu”... đó cũng là lý do mọi người đã gọi là những bà tiên tạo nên những mầm sống.
Đặc biệt, vì cũng là phụ nữ nên họ sẽ thấu hiểu nhau, công bằng mà nói, họ sẽ làm tốt hơn, chính vì vậy y bác sĩ nữ của Bệnh viện Hùng Vương chiếm 80%.
Sinh con vốn là thiên chức của người phụ nữ, nhưng để đưa được một “thiên thần” đến thế giới này không dễ dàng gì với người mẹ, có gì vui bằng khi sản phụ được “mẹ tròn con vuông”. Hàng ngày các y bác sĩ luôn ở trong trạng thái “đầu sóng ngọn gió”. Có thể nói các y bác sĩ luôn ở trong một trận chiến đặc biệt, một trận chiến không tiếng súng đạn, tiếng bom, hay tiếng xe tăng,... mà thay bằng tiếng còi xe cấp cứu, tiếng máy moniter, máy thở, tiếng than kêu của người bệnh... Nơi chúng tôi nhìn thấy, chứng kiến và cảm nhận được những nỗi đau, những mất mát, nhiều cuộc sinh ly tử biệt. Xin cho tôi được gọi các y bác sĩ Phụ sản là những bà tiên", nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
Với 200 mẫu của 7 bộ sưu tập áo dài từ các nhà thiết kế như: Cao Duy, Công Huân, Nguyễn Thúy, Mỹ Lan, Minh Hạnh... được trình diễn bởi các người mẫu, ca sĩ "người thật việc thật", là những y bác sĩ gắn bó với công việc, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, đây chính là những "chất liệu" mang nhiều cảm xúc nhất cho khán giả.
Chương trình nghệ thuật Mầm sống diễn ra vào lúc 15g30 ngày 27/02, tại Công viên trung tâm tòa nhà Bách Hợp - Bệnh viện Hùng Vương. Đài truyền hình TP.HCM ghi hình và phát sóng lại sau đó.