Từ thủ phủ tơ lụa đến ước mơ nâng tầm lụa Việt
(DNTO) - Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) được xem là nơi thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau nhiều thăng trầm, Bảo Lộc dần khẳng định vị trí là thủ phủ tơ lụa Việt Nam, đồng thời phát triển kế hoạch nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Thăng trầm nghề tằm tang
Theo chân nhà thiết kế Minh Hạnh, chúng tôi đến thành phố Bảo Lộc, trải nghiệm thực tế hành trình “hy sinh” của những con tằm, để cho ra những kén tơ mượt mà, làm đẹp cho đời. Điểm khởi đầu là những cánh đồng dâu trồng trên những vạt đồi rộng hàng chục héc ta. Mùa này, người dân địa phương xuống vườn tỉa cành, cắt ngọn, dâu phát triển xanh mướt.
Là người dành nhiều tâm huyết cho ngành lụa tơ tằm Việt, nhà thiết kế Minh Hạnh phân tích cho chúng tôi nghe về những đặc điểm vượt trội của vùng nguyên liệu dâu Bảo Lộc. Chị nói, thời tiết quanh năm mát mẻ là một yếu tố quan trọng, khi tằm ăn dâu trồng tại Bảo Lộc sẽ cho ra những sản phẩm tơ lụa có chất lượng khác biệt, độ bền và màu sắc rất óng ả. Điều này góp phần rất lớn cho chất lượng lụa Bảo Lộc, khẳng định thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo chia sẻ của nhiều người trong nghề, xã Đam Bri là nơi từng tập trung diện tích trồng dâu lớn của Bảo Lộc. Một thời gian dài, nhiều người dân nhận khoán đất để trồng dâu nuôi tằm. Họ từng ăn nên làm ra với cây dâu, con tằm và cũng thất bại vì chúng. Từ năm 1990 đến 2000, người dân nơi đây dần bỏ nghề từng gắn bó với họ hàng chục năm trước.
Từ 3.000ha dâu, có thời điểm, diện tích này giảm xuống chỉ còn khoảng 100ha. Người dân chặt phá dâu để chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, giá kén tăng cao khiến diện tích dâu dần tăng trở lại. Trồng dâu nuôi tằm đang trở thành ngành nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân Bảo Lộc.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Minh Đức ở thôn 13, xã Đam Bri khi cả nhà 4 nhân công gồm cha mẹ và hai vợ chồng anh đang hối hả thu hoạch kén. Anh Đức cho biết, gia đình nhận con giống về nuôi, sau 15-17 ngày, tằm đã có thể cho thu hoạch kén lên vài trăm ký. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí, hộ anh Đức thu nhập 30 -35 triệu đồng. Vì vậy sau 4 năm, gia đình anh quyết định mua thêm đất, nâng diện tích trồng dâu từ 1ha - 2ha để có thêm nguồn nguyên liệu, tăng năng suất.
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, một doanh nghiệp gắn bó nhiều năm với ngành tằm tơ, cho biết, diện tích trồng dâu tại Bảo Lộc đang dần mở rộng trở lại. Nhiều nhà vườn sau một thời gian bỏ nghề đã quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm, bởi những năm gần đây, nghề này mang lại thu nhập cao gấp 3 lần nghề nông.
Theo đó, hiện các doanh nghiệp ngành tằm tơ cũng hoạt động khởi sắc, trong đó có 30 doanh nghiệp sản xuất tơ lụa. Mỗi năm, sản lượng tơ của thành phố Bảo Lộc đạt khoảng 1.000-1.200 tấn, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu mét vuông, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước.
Để thủ phủ tơ lụa không chỉ là danh hiệu
Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, từ năm 1965, Nhật Bản đã cử chuyên gia sang Việt Nam khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết, giống dâu, nuôi tằm… Qua đánh giá thực tế, các chuyên gia đã chọn Bảo Lộc làm nơi trồng dâu, nuôi tằm với các giống tốt nhất của Nhật Bản thời đó.
Với khí hậu mát quanh năm, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thành phố Bảo Lộc có điều kiện tự nhiên thích hợp với nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Sau năm 1975, Trung tâm Tằm tang Bảo Lộc được tiếp quản trở thành nơi cung cấp giống tằm cho cả nước. Về sau, đơn vị này phát triển thành Liên hiệp Các xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam, chuyên sản xuất giống, trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa.
Sau nhiều năm thăng trầm, đến nay, bằng những nỗ lực không ngừng, thành phố Bảo Lộc đang dần khẳng định vị trí “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam, là nơi ươm tơ cho lụa Việt. Tại Bảo Lộc, ngoài những vùng trồng dâu nuôi tằm còn có những nhà máy dệt lụa, các cơ sở ươm tơ lớn nhất nước. Công nghệ sản xuất, chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc đã được đầu tư bài bản với nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã được chế biến đến khâu cuối cùng, kể cả các công đoạn khó nhất để cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện, xuất khẩu đi nhiều nước, kể cả những thị trường khó tính như Pháp, Italy, Ấn Độ, Nhật Bản…
Các sản phẩm tơ lụa không chỉ được dùng trong lĩnh vực thời trang, tơ lụa Bảo Lộc nay còn xuất khẩu để sử dụng trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất…
Hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu dàn máy ươm tơ tự động của Nhật Bản có giá trị khoảng 1,4 triệu USD được mua thanh lý từ Tổng công ty Dâu tằm tơ, ông Huỳnh Tấn Phước khẳng định, đây là dàn máy hiện đại bậc nhất vào thời điểm những năm 90, tuy nhiên đến nay vẫn hoạt động tốt với công suất 400 mối tơ/dãy, giúp chất lượng tơ được nâng cao.
“Công nghệ ươm tơ được đầu tư với các dãy máy ươm tơ tự động hiện đại nên chất lượng tơ cao hơn, thu hút khách hàng ở thị trường khó tính. Cái khó nhất hiện nay của ngành tơ lụa là quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, kén tằm nuôi rải rác nên việc thu mua khó khăn. Điều này dẫn đến khó cạnh tranh với Trung Quốc ngay tại sân nhà”, ông Phước chia sẻ.
Nhà thiết kế Minh Hạnh từng trăn trở: "Hiện tại, một số dòng lụa thương hiệu hàng đầu trên thế giới của Ý, Nhật Bản, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cho thấy chất liệu tơ và tay nghề người dệt lụa Bảo Lộc thực sự tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Nhưng nếu cứ gia công như vậy và an phận với mức lợi nhuận an toàn, Bảo Lộc sẽ chỉ là một vùng đồi núi chuyên gia công tơ lụa, sẽ chẳng một ai, kể cả người Việt Nam, biết rằng cao nguyên có một vốn quý do chính mình tạo ra".
Đó chính là thực tế thách thức cho việc nâng tầm lụa Việt, cũng như ước mơ Bảo Lộc trở thành thương hiệu thành phố tơ lụa được cả thế giới biết đến. Một khi ngành lụa Bảo Lộc vẫn đối mặt khó khăn, từ sản xuất thiếu tính liên kết, thiếu giống tằm, thiếu vùng nguyên liệu dâu, nguyên liệu kén đến việc đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc còn hạn chế thì ước mơ về thành phố tơ lụa vẫn rất cần tâm huyết và sự chung tay của những người tận tuỵ cả đời vì lụa.