Hành trình mới của con đường tơ lụa Việt Nam
(DNTO) - Tháng 4/2023, tơ lụa Bảo Lộc sẽ chính thức được giới thiệu ở Como - nơi mệnh danh là “thành phố của tơ lụa thế giới” trong chương trình biểu diễn và triển lãm tơ lụa Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia (1973-2023).
Sau đó sẽ bước thêm một bước vào Como khi sợi tơ Bảo Lộc được dệt từ các nhà máy lớn ở đây như một cam kết xác tín hành trình tơ lụa Việt Nam tự tin có mặt ở thủ phủ tơ lụa của Ý một cách chính danh, có tên trên hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm.
1. Còn nhớ cách đây 20 năm, thời trang lụa Việt Nam với các thiết kế mang thương hiệu M.H của nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh xuất hiện ở hội chợ Las Vegas bên cạnh hơn 1.000 nhãn hiệu của hơn 100 quốc gia được mời tham gia. MH là brand Việt Nam duy nhất “bằng vai phải lứa” với nhiều hàng hiệu quốc tế. Thời điểm đó, các mẫu thời trang MH được mời trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Xuân Hè trong chương trình South Coast (California) gồm những tên tuổi DKNY (Donna Karan New York), Tommy Hilfiger; CK (Canvil Klein)...
Những trang phục lụa chỉ là một phần nhỏ trong giá trị lớn của brand MH lúc đó khi thổ cẩm – chất liệu đặc trưng mang bản sắc văn hóa Việt, là dấu ấn của MH. Nhưng MH cũng chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam còn có thế mạnh về dệt tơ tằm thủ công mà ngành thời trang thế giới còn rất hiếm. Sau thành công đưa thổ cẩm vào thời trang hiện đại, rực rỡ hơn trong những bộ trang phục cao cấp và vươn ra thế giới, giờ đây, tơ lụa là hành trình mở đường thứ 2 của Minh Hạnh với đau đáu niềm đau: làm sao để lụa Việt được gọi tên trên bản đồ tơ lụa thế giới.
Bởi thực tế, tơ lụa Việt Nam dù là chất liệu truyền thống quý giá đã có từ trăm năm trước vẫn cần phải phát triển và bảo vệ. Trải qua bao thăng trầm, tơ lụa Việt vẫn giữ được nét độc đáo khi được thiên nhiên ban tặng cho những vùng đất nuôi dưỡng nghề dệt ươm tơ. Tiếc thay, bao thập niên qua, số phận tơ lụa Việt, trong đó có tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng), vẫn mãi long đong khi phải bán cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới để họ quyết định đặt tên.
Câu chuyện về tơ lụa Việt Nam có lẽ sẽ mãi ẩn trong vai trò gia công nếu không có vụ tai tiếng cách đây 4 năm về “tráo hoán” từ lụa Trung Quốc gắn mác lụa Việt Nam. Như “giọt nước tràn ly”, những người làm tơ tằm ở Bảo Lộc lúc đó đã bức xức tìm đến Minh Hạnh để góp tiếng nói chung, cứu tơ tằm Việt. Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh (Bảo Lộc) nói: Chúng tôi đặt vấn đề “lúc này nếu không lấy lại danh tiếng cho tơ tằm Việt Nam thì có lẽ sau này sẽ khó”. NTK Minh Hạnh xem lời đề nghị này như sứ mệnh mà tơ tằm Bảo Lộc trao cho họ.
Thế là đồng hành cùng nhau!
2. Nhìn vào bản đồ tơ lụa thế giới, NTK Minh Hạnh nghĩ ngay đến cái tên “Como” (thủ phủ tơ lụa Italia), bởi giới thời trang thế giới đã khẳng định: "Mọi thương hiệu thời trang xa xỉ đều xuất phát từ tơ lụa Como" và hầu hết nhà thiết kế thời trang tên tuổi thế giới đều sử dụng lụa Como cho các bộ sưu tập của họ.
Vùng Como cung cấp 85% tơ lụa cho ngành thời trang của Ý và 70% tơ lụa cho toàn châu Âu. Cả ba kinh đô thời trang của thế giới - New York (Mỹ), Paris (Pháp) và Milano (Ý) - đều dựa vào sức mạnh tơ lụa của Como.
Có một nghịch lý, hiện ở Ý không còn những cánh đồng dâu, không còn những người nuôi tằm ươm tơ, chủ yếu họ tập trung để trở thành nơi thiết kế và công nghệ nhuộm, in, dệt… bậc nhất thế giới. Nguyên liệu tơ được nhập từ các nước châu Á (hầu hết từ Nhật, Trung Quốc...). “Tơ tằm Việt Nam ở Como - tại sao không khi chúng ta vẫn còn những thế mạnh về vùng trồng, về ngành ươm tơ độc đáo”, NTK Minh Hạnh cho biết.
Quả là thách thức không nhỏ nếu muốn vươn xa đến Como, từ suy nghĩ đó là hành động đi kèm: liên doanh giữa các nhà dệt lụa Bảo Lộc và NTK Minh Hạnh đã cho ra đời Vietnam Silk House. Đấy cũng là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, các đơn hàng xuất khẩu ở Bảo Lộc gặp khó khăn. Trong những ngày giãn cách xã hội, các nghệ nhân sống chết với nghề tơ lụa Bảo Lộc đã tập trung sáng tạo từ ý tưởng đến mẫu mã độc đáo và khác biệt nhằm tìm ra hướng đi mới cho tơ lụa. Họ tìm đến những làng nghề dệt duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam khi tuốt tơ sợi đũi bằng tay để tạo ra sản phẩm đũi tơ tằm độc đáo, hiếm có mà ngành thời trang thế giới mơ ước.
Như một duyên lành, sau 2 năm chờ đợi, những người làm nghề dệt và NTK Minh Hạnh đã nhận được công văn hẹn làm việc từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ý. Những ngày tháng 7/2022, đoàn công tác Việt Nam tự tin mang 20 mẫu lụa sang Como “trình làng”. Trong cuộc viếng thăm hai thương hiệu sản xuất tơ lụa lớn, có lịch sử hình thành hơn trăm năm trước: Công ty Ratti – có 650 ngàn mẫu được lưu trữ với tên tuổi của thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới và Công ty dệt lụa 3D Tessitura Serica A.M. Taborelli S.R.L- lưu giữ hơn 450 ngàn mẫu, đã mở ra cơ hội cho tơ lụa Việt Nam khi người Ý đang tìm nhà cung cấp.
Cũng là bước ngoặt khi chính Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng thành phố phụ trách thương mại và Chủ tịch Phòng Thương mại Como đã có nhiều cuộc trao đổi và đi đến thống nhất triển khai một số kết nối hợp tác giữa TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) với Como. Họ cử đại diện thành phố Como cùng đoàn doanh nghiệp sản xuất tơ sang thăm Việt Nam và dự các hoạt động biểu diễn, giới thiệu tơ lụa Bảo Lộc trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt vào tháng 11/2022 vừa qua; sẽ tổ chức trình diễn thời trang Việt Nam tại hồ Como vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia.
Một cách “chính danh”, tơ lụa Bảo Lộc đã chạm đến kinh đô tơ lụa thế giới.
3. Tại San Marino (một quốc gia độc lập nhưng nằm trong lòng nước Ý), tháng 10/2022, đã diễn ra sự kiện SILK & SAN MARINO ở Nhà hát lớn Teatro Titano. Đây là sự kiện văn hóa lớn đầu tiên của Việt Nam được tổ chức như một hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau lần xuất hiện ở Como, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Ý và San Marino cùng Bộ Ngoại giao San Marino, NTK Minh Hạnh đã chính thức được mời tham gia trình diễn. Cùng Công ty thời trang Vietmode, Vietnam Silk House và Công ty tơ lụa Nhật Minh, Minh Hạnh mang đến San Marino nhiều trang phục được thiết kế từ lụa Bảo Lộc, đặc biệt là áo dài, được biểu diễn bởi người mẫu Việt và người mẫu đến từ thành phố Milan của nước Ý.
Chuyến đi này có ý nghĩa lớn cho việc đưa tơ lụa Việt Nam đến gần hơn với kinh đô lụa thế giới trong hành trình mới. Trong đêm diễn duy nhất vào 19/10, toàn bộ ghế tại Nhà hát Titano kín chỗ. Vinh hạnh hơn khi đêm diễn có sự tham dự của hai vị đồng nguyên thủ San Marino Maria Luisa Berti và Manuel Ciavatta cùng các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Luca Beccari, Bộ trưởng Văn hóa Andrea Belluzzi, Bộ trưởng Lãnh thổ Stefano Canti, các nghị sĩ quốc hội, các đại sứ, tổng lãnh sự, ngoại giao đoàn, giới văn nghệ sĩ tại San Marino… Các NTK Việt Nam đã tái hiện trên sân khấu hình ảnh ngành ươm tằm, nong tơ, dệt sợi để cho ra những tấm lụa tinh túy nhất của người làm nghề.
Chia sẻ vì sao đưa tơ lụa đến San Marino, Minh Hạnh nói: “Để lụa Việt Nam được công nhận ở thị trường quốc tế, chúng ta phải tiếp cận với những môi trường như thế này. Họ là những người am hiểu cũng như rất quan tâm đến bản sắc độc đáo của các nước. Tơ lụa Việt Nam thể hiện được vẻ đẹp vĩnh cửu và tôi tin, những áng tơ óng ả nối từ Bảo Lộc đến San Marino, một đất nước có ngành công nghiệp dệt may nằm trong lòng một trong những kinh đô thời trang thế giới là Italia, sẽ mở ra con đường tơ lụa Việt nối dài sang châu Âu. Sau thành công của đêm diễn, tôi mong mỗi người dân San Marino sẽ sở hữu một sản phẩm tơ lụa Việt Nam.
Những kén tằm khô sẽ được ươm dưới nhiệt độ 100 độ C, từ 3-5 giờ đồng hồ, rồi ủ tiếp trong bếp tro 4 giờ nữa để kén mềm ra. Sau đó, rửa sạch kén, cho vào chậu nước, bắt đầu kéo sợi. Khi kéo, người thợ phải dùng ngón cái và giữa để giữ sợi nên khi mới làm nghề, những ngón tay họ đều bươm máu, theo năm tháng trở thành sẹo dài. Những ngày đông rét buốt, tay tê cóng vì ngâm trong nước nhiều giờ nhưng thu nhập thấp, chỉ vài chục ngàn đồng một ngày tuốt sợi, nên hầu như người trẻ hiện nay ở Nam Cao không mặm mà với nghề.
4. Từ xa xưa, người dân làng Nam Cao (Thái Bình) đã tuốt tơ bằng tay, đến nay, họ là những nghệ nhân còn sót lại giữ được phương pháp kéo sợi tơ đũi bằng tay. Chính từ ý tưởng đi tìm sự khác biệt nhất, chất lượng nhất của tơ tằm Việt Nam, NTK Minh Hạnh và ông Huỳnh Tấn Phước đã tìm về những nghệ nhân làng Nam Cao, tiếp tục khám phá sự độc đáo của tơ tằm.
Minh Hạnh cho rằng tính duy nhất và chất lượng là yêu cầu của thời trang cao cấp. Những chất liệu thô bụi đang là khuynh hướng cho phong cách thời trang toàn cầu. Vải đũi tơ tằm chính là hiện thân của dòng thời trang cao cấp nhất, không thể tìm thấy ở đất nước nào ngoài Việt Nam, cũng chỉ duy nhất làng tuốt tơ làm đũi ở Nam Cao vẫn duy trì nghề thủ công này. Điều đặc biệt mang lại giá trị cao là không tấm đũi tơ tằm nào giống tấm nào vì được kết từ những sợi đũi lớn nhỏ khác nhau, tùy bàn tay khéo léo của người thợ mà tạo ra những tấm vải đũi đặc sắc. Đũi từ sợi tuốt bằng tay là một trong sản phẩm được mang đến Como để tiếp thị và được đánh giá cao.
Những tấm vải đũi xù xì từ làng dệt Nam Cao có đặc tính lạ kỳ: mùa hè mặc mát, mùa đông lại ấm nên rất được ưa chuộng. Ấy vậy mà có thời gian, đũi làng Nam Cao bị mai một, thậm chí gần như biến mất. Xòe hai bàn tay với những vết sẹo nhăn nhúm, nghệ nhân Đinh Thị Cấu cho biết, bà đã kéo đũi 85 năm qua, ngày xưa cả làng đều làm nghề, đến lúc mất nghề, cả làng phải làm xa. Ông Trần Ngọc Thu, chủ cơ sở dệt ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình nói, nghề tuốt sợi đũi của Nam Cao còn khó khăn nhưng tính chất thủ công, độc đáo khi làng là nơi duy nhất còn sót lại trên thế giới dùng khung cửi và kéo sợi bằng tay, đã lóe lên tia sáng vươn tầm thế giới của tơ đũi Việt.
Từ khát khao đưa đũi tơ tằm chinh phục thế giới, làng tuốt đũi bằng tay Nam Cao, Thái Bình giờ đây đã khởi sắc hơn. Những con kén tằm từ thành phố Bảo Lộc được chuyển đến Nam Cao cho các nghệ nhân kéo sợi, sau đó chuyển trở lại Bảo Lộc, nơi có các nhà máy dệt lụa tạo ra vải đũi tơ tằm với sản lượng lớn. Thậm chí kết hợp với công nghệ hiện đại đưa đũi vào dệt Jakca tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc biệt. NTK Minh Hạnh cho biết, để tơ tằm Việt được thị trường thời trang cao cấp chấp nhận, những người làm nghề phải biết tạo dấu ấn riêng dựa trên nền văn hóa truyền thống. Nghiên cứu đưa sợi đũi vào dệt hoa văn thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm độc nhất là hướng đi sắp tới.
Tạo ra sản phẩm cao cấp chất lượng ngay từ ban đầu, những người như NTK Minh Hạnh, ông Huỳnh Tấn Phước đã tạo nên giá trị cao cho dòng tơ tằm độc đáo, mở ra con đường tơ lụa Việt Nam.