Hoa Sen sẽ 'buông' mảng sản xuất thép
(DNTO) - Tôn Hoa Sen hay ống thép Hoa Sen, những thương hiệu đã là nên tên tuổi của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), tuy nhiên theo người đứng đầu tập đoàn này, trong những năm tới Hoa Sen sẽ "cởi áo giáp bằng thép để mặc áo mới", tập trung hoàn toàn vào mảng phân phối vật liệu xây dựng.
Mục tiêu 1.000 cửa hàng
Cùng với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thép, HSG đã thu về kết quả kinh doanh ấn tượng trong hai năm vừa qua. Năm 2021, doanh thu tập đoàn tăng hơn 70%, lợi nhuận sau thuế thu về tăng tới 270%. Riêng trong quý 1 năm nay, doanh thu của tập đoàn tăng 7% so với cuối năm ngoái.
Hiện tại, Hoa Sen đang dẫn đầu thị phần tôn sản xuất trong nước, đứng thứ 2 về ống thép và đứng ở vị trí thứ 3 về ống nhựa.
Mặc dù vậy, mảng sản xuất sẽ không còn là trọng tâm của tập đoàn này. Theo Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, phát biểu trong Đại hội đồng cổ đông thường niên của HSG diễn ra vào ngày 21/3, trong thời gian tới tập đoàn sẽ tập trung hoàn toàn vào mảng phân phối vật liệu với điểm nhấn là Hoa Sen Home.
"Trong thời gian 5-10 năm tới, khi nói đến Tập đoàn Hoa Sen chính là nói đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home, chứ không phải tôn Hoa Sen hay ống thép Hoa Sen nữa", ông Vũ cho biết.
Và cũng theo ông, tài sản không liên quan đếm hệ thống phân phối như khu công nghiệp, bất động sản... sẽ được bán hết và tập đoàn sẽ hoàn toàn không đầu tư gì cho mảng sản xuất nữa.
Bản thân ông Vũ cũng tỏ ra tiếc nuối khi Hoa Sen lâu nay đã bỏ qua mảng bán lẻ, đầu tư lan man và chưa tối ưu được hệ thống phân phối của Hoa Sen Home. Và nếu phát triển tốt hệ thống bán lẻ thì chắc chắn doanh số tập đoàn sẽ gấp nhiều lần con số hiện nay.
Tính đến tháng 3 năm nay, HSG đã đưa vào hoạt động gần 90 siêu thị Hoa Sen Home trên cả nước. Năm ngoái tập đoàn đặt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng nhưng dịch bệnh, sức mua giảm nên chỉ mở 80 địa điểm, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là mở ra hơn 1.000 cửa hàng.
Hưởng lợi từ cuộc chiến Nga - Ukraine
Hội đồng quản trị của HGS đặt các mục tiêu kế hoạch trong năm nay khá khiêm tốn, đều thấp hơn so với kết quả thực hiện năm ngoái, cụ thể kế hoạch doanh thu tập đoàn là 46.399 tỷ đồng giảm 5%, lợi nhuận sau thuế 1.500-2.500 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể năm liền trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không chỉ HSG mà rất nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục được hưởng lợi, đặc biệt là mảng xuất khẩu. Chuyên viên phân tích Hoàng Anh Tuấn, từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho biết, HSG có nhiều cơ hội duy trì quy mô doanh thu và lợi nhuận đã đạt được trong năm qua, xuất phát từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất, cuộc chiến Nga - Ukraine với các biện pháp trừng phạt Nga sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép trên thế giới, vốn mới chỉ đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, đặc biệt khi Nga và 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus có tổng xuất khẩu thép vào châu Âu (EU) chiếm 38%. Và điều này là cơ hội cho các doanh nghiệp thép trong nước hướng đến thị trường EU.
Mặt khác giá thành sản xuất thép tăng cao, do giá các nguyên vật liệu khác như giá dầu, giá khí, giá than tăng rất nhanh tác động đến và gần như quay lại mức đỉnh cũ đã lập ra trong năm 2021. Điều này lại giúp doanh nghiệp thép tại các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của VCBS, một điểm cần lưu ý là hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên quota xuất khẩu nên sản lượng xuất khẩu sẽ không còn cao như năm ngoái.
Kết phiên phiên giao dịch ngày 21/3, cổ phiếu HSG chốt tại 32.800 đồng/cp, tăng 0,9% so với cuối tuần trước. Vốn hóa toàn thị trường của HSG đạt hơn 18.800 tỷ đồng.