Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 'Muối bỏ biển' với ngành du lịch
(DNTO) - Doanh nghiệp ngành du lịch cho rằng, một số nội dung trong Dự thảo hỗ trợ giảm phí và lệ phí dành cho doanh nghiệp nhóm ngành này không nhiều ý nghĩa thực tiễn...
Để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có công văn số 5377/BTC-CST xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19.
Theo Dự thảo quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí đối với một số ngành nghề lĩnh vực, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2021.
Hỗ trợ cần linh hoạt
Nội dung dự thảo Thông tư trên cơ sở kế thừa mức thu các khoản phí, lệ phí đã được quy định giảm tại Thông tư 112/2020/TT-BTC và bổ sung thêm giảm mức thu 1 khoản phí thuộc lĩnh vực thủy sản theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo dự thảo, mức hỗ trợ dành cho doanh nghiệp du lịch có hạng mục phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch: Mức thu bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BTC.
TS. Lê Văn Minh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho biết, trong đại dịch, các ngành dịch vụ nói chung và đặc biệt là ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong nhiều tháng, không có khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa bị hạn chế, các doanh nghiệp hầu như không hoạt động kinh doanh, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng tăng. Hướng dẫn viên và nhân viên khách sạn, lữ hành phải chuyển sang làm việc ở nhiều ngành, nghề khác.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngành, Bộ Tài chính đã đưa ra một số chính sách giảm lệ phí đối với một số hoạt động lên tới 50% so với quy định trước đó là phù hợp. Việc này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, cùng với việc miễn giảm các loại phí nói trên nên có những chính sách hỗ trợ về việc làm, tạo thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp du lịch có những thay đổi hướng kinh doanh, không ngoại trừ hướng tư vấn và đào tạo nghiệp vụ du lịch. Với hướng đi này, Nhà nước cần ủng hộ và có chính sách phù hợp, chẳng hạn tạo điều kiện cấp phép mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới...
Vẫn như "muối bỏ biển"
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại Và Đầu Tư Hà Nội (Hanoitours) bày tỏ rằng, Chính phủ đã rất tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong suốt thời gian qua để chống chọi với khó khăn. Song phải nhìn nhận thực tế, một số biểu phí được miễn giảm theo Dự thảo Thông tư vẫn chỉ như “muối bỏ biển” đối với doanh nghiệp trong lúc này. Theo ông Phúc, những khoản phí này vốn dĩ không nhiều, số lượng xin cấp phép ít, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn muốn xin rút tiền về, bỏ giấy phép.
“Tài chính vẫn là xương sống của một doanh nghiệp nếu muốn duy trì và phát triển, cho nên sự thiết thực nhất hiện nay là hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch. Có thực mới vực được đạo, tương tự như chủ trương mà UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt, nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 - 5 năm”, ông Phúc chia sẻ.
Trước đó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng nhận định, doanh nghiệp du lịch hiện gặp khó khăn chồng chất. Bây giờ doanh nghiệp đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra sao, chứ không còn đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động. Sau các đợt dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch đã không còn sức để kháng cự và quá khó khăn.
“Chính phủ cần có những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; Giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; Có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi”, ông Dũng đề xuất.