Hình tượng con trâu trong văn hóa đồng bào thiểu số
(DNTO) - Là con vật thân thuộc với nghề nông, hình ảnh con trâu đi trước cái cày gắn liền với người nông dân đã bao đời nay. Nhưng ít ai biết rằng hình tượng con trâu cũng hiện diện trong đời sống tín ngưỡng và phong tục tập quán của phần đông các dân tộc thiểu số anh em.
Dân tộc Bru - Vân kiều: Trên đầu đốc nhà có cắm bộ phận hình một chiếc sừng trâu để trang trí và trừ ma quỷ. Đối với các đôi vợ chồng, chỉ khi tổ chức được lễ "khơi" thì người vợ mới thực sự thuộc nhà chồng. Lễ thường có giết trâu và việc trao tặng vật giữa cậu và vợ chồng người cháu được tiến hành trong lễ đâm trâu này.
Dân tộc Cơ tu: Nhà công cộng (gươl) của dân làng là công trình khang trang, bề thế và đẹp nhất. Ngôi nhà này được tạo hình đầu trâu trên mặt ván be quanh sàn, vừa để trang trí, vừa dùng làm bậc lên xuống, cứ mỗi cặp sừng trâu là một bậc.
Dân tộc Dao: Mỗi họ dùng một con thú khác nhau làm lễ vật chính cúng tổ tiên. Họ Phùng dùng dê, họ Bàn dùng bò,..., còn họ Triệu thì dùng trâu để cúng.
Dân tộc Lự: Tập tục người Lự quy định nếu gái bỏ chồng sẽ bị phạt 1 trâu, trai bỏ vợ sẽ bị phạt 1 bò.
Dân tộc M'nông: Trong lễ ướm hỏi, người mai mối của nhà trai đem theo hai ống lồ ô đựng măng chua và da trâu thái nhỏ. Nếu gia đình nhà gái nhận, nghĩa là đã ưng thuận. Còn với lễ ăn hỏi, trong các lễ vật nhà trai mang đến nhà gái thường phải có 20 - 30 ống măng chua và da trâu muối.
Dân tộc Phù Lá coi trâu là thuỷ tổ của mình với truyền thuyết rằng, xa xưa, ông tổ người Phù Lá mồ côi từ rất sớm, may nhờ có trâu cho bú nên đã sống được và trưởng thành. Chính từ quan niệm ấy, con cháu họ về sau kiêng ăn thịt trâu để bỏ lòng biết ơn.
Dân tộc Sán chay: Ngôi nhà của người Sán Chay có mô hình phỏng theo con trâu thân thuộc của họ: 4 cột ở giữa là 4 chân, rui mè là xương sườn, đòn nóc là sống lưng, thùng cám đặt cạnh chân cột chính ở bên cửa là dạ dày...
Dân tộc Tày: Dân tộc Tày đầu năm có tục "hát vài xuân" ("vài" theo tiếng Tày có nghĩa là con trâu). Người hát rong nghèo khổ vào dịp Tết đến đứng trước mỗi nhà cất lời hát chúc mừng năm mới tốt lành và nhất là hát chúc mừng con trâu mùa xuân, vừa hát vừa dán lên cánh cổng ra vào tờ tranh nền đỏ, khổ bằng bàn tay, có hình một con trâu béo khoẻ, bên cạnh là dòng chữ "tân niên đại cát". Chủ nhà thích thú lắng nghe từ đầu đến cuối, dứt bài hát liền chạy ra biếu người hát rong một cái bánh chưng, vài phong bánh khảo hoặc một món tiền trong phong bao đỏ.
Dân tộc Thổ: Trong cưới xin, đồ dẫn cưới của nhà trai thường phải có một con trâu. Dân tộc Xơ đăng: Trâu được dùng để dẫm ruộng trước khi đi cày. Cả làng nhốt trâu chung một chuồng. Cửa chuồng được trang trí đẹp, giữa chuồng có trồng cây nêu cao vút và gắn nhiều vật thiêng. Tháng 2 dương lịch mở đầu năm mới với lễ cúng trâu. Mỗi năm chuồng được thay một lần và lễ cúng trâu tổ chức trong dịp này. Mọi người dự lễ đều cầu mong những điều tốt lành cho làng, cầu cho trâu được khoẻ mạnh, sinh con đàn cháu đống. Tiếp đó là nghi thức 5, 7 hoặc 9 người cùng rút gióng thả trâu ra khỏi chuồng mới.
Với nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, còn có chung những phong tục lạ liên quan đến trâu. Chẳng hạn, phụ nữ Dao, Gia Rai, Pà Thẻn khi có bầu đều kiêng bước qua dây buộc trâu, vì họ sợ làm vậy sẽ đẻ khó. Đa số các dân tộc ở Tây Nguyên đều có tục đâm trâu độc đáo trong lễ cắt việc dành riêng cho người con trai tuổi trưởng thành (từ 18 đến 20 tuổi) nhằm chính thức công nhận từ đây anh ta là thành viên của cộng đồng, đảm lãnh nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng như mọi thành viên khác.
Các dân tộc ở Tây Nguyên cũng coi trâu là một trong những tài sản giá trị, dùng để phân định mức độ giàu nghèo của từng gia đình và là đại lượng để mua bán trao đổi các vật quý hiếm (ví dụ: có chiếc ché hoặc bộ cồng chiêng phải đổi bằng hàng chục con trâu).