Hết thời chủ đầu tư xem quỹ bảo trì như 'con đẻ’ của mình
(DNTO) - Nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư đã mặc nhiên xem quỹ bảo trì mà cư dân đóng vào như của riêng mình, tự ý sử dụng, cố ý không bàn giao lại, mặc người dân lên tiếng đấu tranh.
Nhùng nhằng chuyển giao
Phí bảo trì được xem là khoản tiền 2% giá trị căn hộ mà người mua nhà phải nộp thêm ngoài chi phí căn hộ. Số tiền này thường được đóng trước khi chủ đầu tư thực hiện thủ tục bàn giao nhà và thường giao tạm cho chủ đầu tư nắm giữ.
Theo quy định, số tiền này sẽ được chuyển về cho ban quản lý chung cư khi tòa nhà đi vào vận hành
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cố tình "ôm" khoản tiền này, lờ đi không bàn giao lại cho Ban quản lý chung cư. Phải chăng những khoản lợi nhuận béo bở mà số tiền khổng lồ này khiến họ không dễ dàng buông tay?
Hình ảnh nhiều chung cư đấu tranh, căng băng rôn đỏ rực trên các tòa nhà để đòi lại quyền lợi của mình không phải là điều hiếm gặp.
Tháng ba vừa qua, thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra hàng loạt dự án chung cư tại Hà Nội liên quan đến khoản tiền này. Qua 15 kết luận thanh tra, bộ này đã yêu cầu các chủ đầu tư bàn giao lại cho các ban quan trị số tiền kinh phí bảo trì lên tới 250 tỉ đồng.
Tại thời điểm thanh tra, không ít chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng bàn giao chậm, bàn giao thiếu hoặc đang quản lý kinh phí bảo trì tại chính tài khoản ngân hàng của mình.
Đơn cử, tại dự án chung cư CapitaLand - Hoàng Thành (Seasons Avenue) của Công ty TNHH Đầu tư CapitaLand - Hoàng Thành, tổng kinh phí bảo trì đã thu được của các căn hộ là 70 tỷ đồng. Tuy nhiên theo thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư mới bàn giao cho ban quản trị 30,5 tỷ đồng, còn lại số tiền là 43,2 tỷ đồng, chủ đầu tư vẫn cố ý chưa chịu bàn giao.
Nhiều chung cư do không thống nhất được diện tích sử dụng chung và diện tích chủ đầu tư để lại cũng dẫn đến tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì từ 1 - 3 năm nay.
Ngân hàng sẽ tham gia cưỡng chế
Trước hiện trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, đưa ra quy định mới về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối của nhà chung cư.
Theo quy định cũ, khi tiến hành thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, cơ quan chức năng ban đầu sẽ làm việc cùng chủ đầu tư yêu cầu bàn giao, quá thời hạn đưa ra mới có quy định cưỡng chế.
Thì nay, sau 10 ngày nhận được yêu cầu từ ban quản trị chung cư, UBND tỉnh sẽ làm việc với ngân hàng nơi chủ đầu tư mở tài khoản phí bảo trì. Trong 7 ngày, ngân hàng phải cung cấp số tài khoản, số tiền có trong tài khoản này. Trong 5 ngày nhận quyết định cưỡng chế, ngân hàng phải chuyển tiền vào tài khoản ban quản trị.
Trường hợp, tài khoản quỹ bảo trì không còn tiền, ngân hàng phải cấp thông tin để cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để bàn giao cho ban quản trị chung cư.
Nếu tài khoản kinh doanh không còn tiền, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan thẩm quyền quyền xác định cụ thể diện tích nhà, đất tại các dự án khác của chủ đầu tư, sau đó sẽ tiến hành kê biên, đấu giá nhằm thu hồi kinh phí.cho quỹ bảo trì. Trường hợp chủ đầu tư không có nhà, đất thì các tài sản khác sẽ bị đưa ra đấu giá thay thế.
Như vậy, với quy định mới này, từ giờ người dân có thể không còn nơm nớp lo khoản tiền sở hữu chung bị nhiều chủ đầu tư giữ rịt cho riêng mình nữa.
Trao đổi với VietNamNet, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: "Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra theo kế hoạch của Bộ. Bên cạnh đó tiếp tục giám sát có chỉ đạo kịp thời đối với những điểm nóng xây dựng tại các địa phương theo phản ánh kiến nghị của người dân, báo chí…không tránh né những vấn đề gai góc của xã hội”.