Chặn sốt đất: Dễ hay khó?
(DNTO) - Thời gian qua, tình trạng sốt đất đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản cả nước. Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra các biện pháp nhằm hạ nhiệt cơn sốt, đồng thời hiến kế hướng tới đưa thị trường này đi vào ổn định.
GS. Đặng Hùng Võ: "Hà Nội và TPHCM phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm"
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, TPHCM và Hà Nội là hai địa phương phải đặt việc cắt sốt đất lên làm nhiệm vụ trọng tâm. Bởi theo ông, nếu hai địa phương lớn này kìm được "cơn sốt" thì sẽ hạn chế được đà lan của nó ra toàn thị trường.
Khi đó, theo ông, “các cơn sốt đất ở các địa phương khác khi ấy chỉ còn mang tính thời điểm và cục bộ”.
Nói về giải pháp mà các địa phương phải thực hiện trong giai đoạn này, ông Võ đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, các địa phương nên tạm dừng ngay việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần mạnh tay giải tán ngay các “chợ cóc” bất động sản trôi nổi, những đối tượng đang góp phần nhũng nhiễu thị trường.
Thứ ba, cần có sự vào cuộc của báo chí nhằm đăng tải các thông tin chính xác, minh bạch về tình hình quy hoạch, cũng như những rủi ro mà người mua có thể gặp phải để ngăn chặn hiệu ứng đám đông từ phía người dân.
Ngoài ra, bản thân địa phương cũng cần đẩy nhanh các dự án đầu tư nhằm loại bỏ tâm lý lo lắng của người dân do sợ khan hiếm nguồn cung nhà ở trong vài năm tới.
Ông Lê Hoàng Châu: "Xử lý nghiêm tình trạng đầu nậu cấu kết với cán bộ"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng sốt đất là “xử lý nghiêm việc đầu nậu cấu kết với cán bộ địa phương”, bởi theo ông, có hiện tượng “cấp cơ sở biến chất, tung tin để đẩy giá, thổi giá và đưa các nội dung không chính xác ra thị trường”.
Ông Châu nhận định, nếu cán bộ địa phương “tác oai tác quái, chắc chắn tình trạng sốt ảo còn lặp lại khiến người dân thiệt hại, kinh tế nhiễu loạn theo”.
Đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng sốt đất, ông Châu cho biết, Việt Nam cần xây dựng công cụ đánh thuế vào bất động sản thứ 2, đồng thời tạo cơ chế tín dụng riêng cho ngành này.
Cùng ý kiến với ông Đặng Hùng Võ, ông Lê Hoàng Châu đề xuất, báo chí nên kết hợp với địa phương tuyên truyền thông tin, ngăn chặn các thông tin sai lệch, cung cấp cho người dân thông tin cụ thể, chính xác, từ đó tránh việc họ bị sập bẫy môi giới, cò mồi, những đối tượng luôn tìm cách tung tin thất thiệt, dụ dỗ họ.
TS. Nguyễn Quốc Anh: “Thành lập sàn giao dịch bất động sản của nhà nước”
Ông Nguyễn Quốc Anh, Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đề xuất về việc nghiên cứu hướng tới thành lập sàn giao dịch bất động sản chính quy của nhà nước.
Khi người dân tiến hành giao dịch qua sàn này, bắt buộc phải thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, khi đó luồng tiền sẽ được kiểm soát, cơ quan chức năng sẽ nắm được mục đích của người mua là để ở hay kinh doanh.
Đó là biện pháp lâu dài, còn hiện tại, theo ông Anh, bài toán cần giải quyết sớm nhất hiện nay là thu hẹp khung giá đất với thị trường.
Chỉ ra nguyên nhân tình trạng sốt đất vừa qua, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được thị trường vàng, tiền tệ… còn thị trường chứng khoán và bất động sản lại chưa được như vậy. Chính việc này đã tạo kẽ hở để xảy ra tình trạng bất ổn trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua
“Trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu đầu tư chính đáng của người dân thì bên cạnh những kênh truyền thống, có thể phát triển một số kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp, kỳ phiếu, tín phiếu (giấy tờ có giá)…”, ông cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Cần tổ chức và xây dựng các quỹ đầu tư”
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tại Việt Nam hiện không thiếu các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ…, nhưng không phải kênh nào cũng có thông tin cụ thể, chính xác, gây được niềm tin cho người dân. Trong khi đó, đơn vị trung gian hỗ trợ nhà đầu tư trên thị trường gần như không có. Vì vậy theo ông Hiếu, người dân chỉ thấy đầu tư vào đất đai là an toàn và dễ sinh lời nhất. Hệ lụy là những nhà đầu tư đổ vốn vào bất động sản theo tâm lý bầy đàn, thấy nơi nào đông thì kéo đến mua gây nên tình trạng sốt đất nghiêm trọng.
Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, “cần thiết phải tổ chức và xây dựng các quỹ đầu tư, công ty môi giới chuyên nghiệp hơn để có thể thay mặt nhà đầu tư chọn kênh, tìm nơi rót vốn hợp lý, tránh đầu tư theo cảm tính, đám đông”.