Bất động sản Tây Nguyên có gì để thu hút các 'ông lớn'?
(DNTO) - Với nhiều lợi thế về quỹ đất cũng như không khí trong lành, khu vực Tây Nguyên đang lọt vào mắt xanh của nhiều "ông lớn" đổ xô về đây đầu tư, tạo nên một làn sóng dịch chuyển đầy tiềm năng về các tỉnh thành phố núi.
Tây Nguyên đón nhận làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ
Hiện nay, tại các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nguyên đang thu hút nhiều ông lớn bất động sản như Vingroup, FLC, Him Lam, Novaland.. đổ về. Chính sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đang tạo nên làn sóng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực vùng ven, ngoại ô. Trong đó, khu vực Tây Nguyên (bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) trở thành vùng đất tiềm năng hấp dẫn các đại gia bất động sản.
Đi cùng với đó là tác động của đại dịch Covid-19, giới địa ốc đang có xu hướng đổ xô săn đất nền đầu tư hoặc chung cư, nhà phố để ở tại những “vùng đất mới”, nơi có bầu không khí trong lành và con người được hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng cuộc sống xanh.
Theo khảo sát của các đơn vị phân tích thị trường, từ những tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản từ vừa và nhỏ đến quy mô tập đoàn đều đã nhanh chân đưa các kế hoạch phát triển dự án ra khỏi các thị trường lớn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, bất động sản tỉnh lẻ sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư, bởi những lý do như: Thứ nhất, nhà phát triển bất động sản dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính và nhận được nhiều ưu đãi, cơ hội từ chính sách thu hút đầu tư; Thứ hai, giá thuê đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rẻ hơn; nhà phát triển dễ dàng tiếp cận với những quỹ đất rộng lớn tại những khu vực đắc địa; Thứ ba, đón đầu được xu thế đô thị hóa của các tỉnh. Cuối cùng, thu nhập dân cư của các tỉnh lẻ hiện đã tốt hơn rất nhiều. Họ có xu hướng thích sống trong các đô thị tổng hợp, có đủ các điều kiện sống như ngoài chọn một nơi ở, phải có công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí, thể thao, khu ẩm thực, văn hóa… Các dự án đón đầu được xu hướng này chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh tốt và thành công.
“Hơn thế nữa, những nơi có khí hậu trong lành, nước, không khí an toàn, hạ tầng đồng bộ… như khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng tác động đến đến giá cả và sự thanh khoản của dự án”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Hàng loạt "ông lớn" chia nhau miếng bánh
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Tây Nguyên những năm gần đây đã tạo cơ hội cho thị trường BĐS phố núi thu hút các "ông lớn" địa ốc đầu tư. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường địa ốc như Vingroup, FLC, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh... đã chọn Tây Nguyên làm điểm dừng chân.
Tập đoàn FLC đang triển khai các dự án như Tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà phố thương mại với quy mô 4,6 ha; Khu đô thị thông minh CK54 với tổng diện tích 230 ha; Khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh trên diện tích 8 ha và dự án Tháp đôi 30 tầng trên quy mô 1,6 ha, tại Gia Lai.
Tại Đăk Lăk, Tập đoàn Vingroup cũng đang hướng tới tỉnh này với tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn 5 sao, Shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng.
Tại Lâm Đồng, Tập đoàn Ecopark cũng đang hướng tới 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest cũng đã đề xuất đầu tư vào 3 dự án, bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; Nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; Qui hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.
Hay Tập đoàn Ecopark đang hướng tới 2 dự án tại TP.Bảo Lộc là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Tập đoàn Him Lam cũng đang xúc tiến đầu tư một số dự án tại TP.Bảo Lộc như Khu dân cư phường B'Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc - Nam. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đầu tư Khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP.Bảo Lộc.
Tại Đắk Lắk, TNG Holdings cũng tập trung vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 1.700 tỉ đồng.
Hay mới đây Tập đoàn Vingroup cũng tiến quân vào Đắk Lắk với tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn 5 sao, Shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng...
Theo tìm hiểu, Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên năm 2020 khoảng hơn 23,8 nghìn ha. Đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 27 đô thị hình thành mới.
Quan sát thực tế cho thấy trong năm 2021, hiện nay với sự xuất hiện của những ông lớn bất động sản nhiều khu vực đất tại Tây Nguyên cũng đang rục rịch tăng giá. Có thể kể đến như Bảo Lộc, Măng Đen... Theo dự báo, năm 2021 nhiều đại gia bất động sản cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các dự án lớn tại đây sẽ tiếp tục kéo mặt bằng giá đất tiếp tục tăng.
Mặc dù Tây Nguyên đang là thị trường bất động sản vô cùng tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo các nhà đầu tư bất động sản cần cẩn trọng nên xác định đầu tư theo một chiến lược dài hơi, tránh lướt sóng và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Và đặc biệt, nhà đầu tư chỉ nên mua những sản phẩm có tính pháp lý rõ ràng, tránh đu theo tâm lý đám đông.