Hai cổ phiếu cao su sáng giá nhờ... đất
(DNTO) - Việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp tạo kỳ vọng mới cho nhóm cổ phiếu cao su, điển hình là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hay DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú.
Nhiều cổ phiếu cao su giữ đà tăng mạnh thời gian qua. Chốt phiên hôm nay, ngày 12/3, sắc tím nhuộm màu cho GVR và DPR với mức tăng gần 7%. Vào thời điểm đóng bảng, cả hai đều trong tình trạng cháy hàng khi GVR còn tới 61 ngàn đơn vị dư mua trong khi DPR là trên 370 ngàn đơn vị, chiều dư bán cả hai hoàn toàn trắng bảng.
Đáng chú ý, DPR ghi nhận trên 3,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, con số kỷ lục của cổ phiếu này tính từ thời điểm chào sàn. Trong khi đó, GVR đạt trên 9,4 triệu cổ phiếu trao tay, cao nhất kể từ năm 2021 đến nay.
Thành quả của phiên hôm nay đã kéo mạnh đà tăng của hai cổ phiếu giúp GVR có mức tăng gần 25% trong tháng qua, và trên 100% kể từ đầu năm ngoái. Dù khiêm tốn hơn nhưng DPR cũng tăng gần 8% trong tháng và hơn 50% trong một năm qua.
Có thể thấy năm 2023, các doanh nghiệp cao su kinh doanh không được như kỳ vọng. Tại GVR, năm 2023, hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su, mảng kinh doanh chính, cũng sụt giảm 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ hoạt động tài chính, doanh nghiệp này đã có lợi nhuận sau thuế đạt 3,3 ngàn tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022. So với kế hoạch đã được điều chỉnh giảm trước đó do tình hình kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp vẫn hoàn thành kế hoạch.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của DPR, lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp đạt 108 tỷ đồng, đạt 86% so với năm 2022, nguyên nhân đến từ việc doanh thu giảm do sản lượng tiêu thụ đi xuống và cây cao su thanh lý cũng giảm.
Điều khiến cổ phiếu của hai doanh nghiệp nổi sóng xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư trước chủ trương chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp nhằm bổ sung nguồn cung đất khu công nghiệp cho nhiều tỉnh thành vốn đang hạn chế do các vấn đề về định giá đất, đấu giá chuyển đổi đất hay vấn đề giải phóng mặt bằng.
Cụ thể như tại Đồng Nai, Thủ tướng phê dụng sử dụng đất cao su chuyển đổi là 6,7 ngàn ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến 2025 và 2 ngàn ha giai đoạn 2025-2030 (chiếm 48% tổng diện tích). Tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu ước tính cũng có hàng ngàn ha được chuyển đổi.
Hiện tại GVR đang nắm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp cao su như sở hữu trên 55% cổ phần tại DPR, 66% tại Công ty cao su Phước Hoà, 98% tani cao su Tân Biên... những doanh nghiệp có diện tích chuyển đổi lớn sẽ có nhiều lợi thế.
Trong khi đó, theo phân tích của SSI Research, chi phí đền bù đất trồng cây cao su có thể tăng 30-50% so với trước đây do áp dụng theo các phương pháp định giá từ Luật đất đai sửa đổi. Do đó, đây cũng là một lợi thế với các doanh nghiệp cao su. Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không ngoại trừ khả năng việc chuyển đổi từ đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp có thể gặp khó do chậm trễ và ngoài ra, nhu cầu cao su có thể giảm do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu khả năng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.
Cổ phiếu GVR là một trong những cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường. Kết phiên, chỉ số VN-Index đã lấy lại hơn 10 điểm sau hai phiên giảm điểm sâu. Việc tranh thủ bán để hạ tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn nhân nhịp hồi phục sớm được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư.