Giao dịch sụt giảm nhưng giá nhà đất vẫn bật tăng
(DNTO) - Trong quý 1 năm nay, mặc dù giá nhà đất được ghi nhận có sự tăng cao vượt trội, thậm chí có hiện tương “sốt đất”, nhưng thực tế, lượng giao dịch mua bán bất động sản thành công lại sụt giảm thấp, chỉ bằng khoảng 70% so với quý cuối của năm ngoái.
Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1 năm nay do Bộ Xây dựng vừa công bố, cả nước có 25.386 giao dịch bất động sản thành công, giảm chỉ bằng 70% so với quý cuối cùng của năm ngoái với 35,820 giao dịch thành công.
Số lượng giao dịch nay tại các địa phương cũng có sự chênh lệch nhau rõ rệt. Cụ thể, trong quý 1, nếu Hà Nội có 5.571 giao dịch thành công thì tại TP. HCM có 3.449 giao dịch, chỉ bằng 60% so với Hà Nội. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với thị trường của năm ngoái, khi trong quý 4/2020, nếu Hà Nội có 8.347 giao dịch thì tại TP. HCM có tới 10.173 giao dịch thành công, cao hơn 21%.
Tính riêng cả năm 2020, TP. HCM có khoảng 20.218 giao dịch thành công, và Hà Nội chỉ chiếm 46% lượng giao dịch của thành phố này với 13.834 giao dịch. Như vậy có thể thấy thị trường bất động sản tại Hà Nội khá sôi động trong quý qua, đưa địa phương chiếm tới 21% giao dịch bất động sản thành công của cả nước.
Trong khi đó, xét theo khu vực, miền Bắc đang dẫn đầu trong quý 1 với 11.011 giao dịch thành công, giảm 22% so với quý liền trước, khu vực miền Nam giảm mạnh tới 57% và tại miền Trung tăng 11%. Những giao dịch thành công này chủ yếu tập trung ở phân khúc bình dân, còn với phân khúc cao cấp thì lượng giao dịch ít và giảm mạnh so với quý trước.
Một thực tế đang khiến không ít người băn khoăn là mặc dù giao dịch thành công giảm mạnh, nhưng giá nhà đất vẫn tăng cao, thậm chí rất cao tại nhiều địa phương.
Cụ thể, ở phân khúc nhà ở riêng lẻ, mức giá bình quân tại các địa phương tăng 5-10% so với quý liền trước. Trong đó, nổi bật là Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai, những địa phương được ghi nhận có mức giá bình quân cao so với mặt bằng chung cả nước.
Ở phân khúc đất nền, giá cả tăng vọt tại một số điểm cục bộ, như các vùng ven Hà Nội có giá giao dịch "phi mã": khu vực Ba Vì tăng 45%; khu vực Quốc Oai tăng 20%; các tỉnh như Hòa Bình tăng trung bình 46%; Bắc Ninh 20% và Hưng Yên 26%...
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù giá tăng cao như vậy những giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít tại các khu vực "sốt đất", chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Nhìn chung, thị trường bất động sản trong nước còn nhiều khó khăn và biến động, khi giá cả vẫn tăng cục bộ tại nhiều khu vực. "Tuy nhiên, với nhiều tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang và sẽ phát triển ổn định", Bộ Xây dựng nhận định.