Giải mã đà tăng nóng của một cổ phiếu điện
(DNTO) - Bất ngờ tăng kịch trần 6,6% và với lượng giao dịch khủng hơn 41 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, mã POW trở thành cổ phiếu nóng nhất trong phiên giao dịch ngày 27/5.
Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam bất ngờ được nhà đầu tư săn đón. Dù đã có hơn 40 triệu đơn vị được trao tay nhưng kết phiên, POW vẫn còn dư mua hơn 6,7 triệu cổ phiếu, chiều dư bán trắng bảng.
Sau khi chạm mốc đỉnh hơn 20 ngàn đồng mỗi đơn vị hồi đầu năm 2022, cổ phiếu POW giao dịch kém tích cực khi liên tục điều chỉnh theo xu hướng đi xuống, có thời điểm thị giá xuống dưới 10 ngàn đồng. Phiên hôm nay, dù tăng kịch trần 6.6%, POW mới chạm mốc 12.100 đồng/cp.
Thị trường đang trong giai đoạn lình xình, đà tăng bứt phá vẫn chưa thể hiện rõ nét. Sự luân phiên tăng điểm giữa các nhóm ngành là điều dễ nhận ra. Với ngành điện, các cổ phiếu bắt đầu thu hút mạnh dòng tiền, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu này giao dịch đột biến.
POW là một doanh nghiệp điện đang vận hành loạt nhà máy gồm điện khí, than và thủy điện. Quý 1 năm nay, doanh nghiệp làm ăn kém tích cực khi doanh thu giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sản lượng điện sụt giảm do ảnh hưởng do lưu lượng nước về các hồ giảm, cùng đó doanh thu tài chính giảm khi lãi suất giảm, chi phí tài chính lại tăng do chênh lệch tỷ giá... đã khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của POW đã giảm mạnh khoảng 60% chỉ đạt hơn 210 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là các khoản nợ của POW, trong đó có nợ phải trả người bán ngắn hạn đã gần 18 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp trong quý 1, trong khi đó thời điểm cuối năm ngoái là gần 16 ngàn tỷ đồng.
Các chuyên gia của VCBS lưu ý về các rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp. Trước hết, POW sẽ phải đối mặt với rủi ro về nguồn cung khí đầu vào do sự không ổn định và liên tục suy giảm qua các năm tại khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, rủi ro từ sự chậm lại của hoạt động sản xuất trong nước có thể gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ điện, cũng như biến động giá nguyên liệu đầu vào cũng tạo nhiều bất lợi cho nghiệp.
Tuy nhiên, POW vẫn đang được hưởng nhiều lợi thế.
Tại đại hội cổ đông mới diễn ra, ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch HĐQT POW cho biết, phía bảo hiểm đã chính thức có văn bản chấp thuận bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp do sự cố nhà máy Vũng Áng 1, bao gồm bảo hiểm tổn thất vật chất và gián đoạn kinh doanh, khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí sửa chữa khoảng 600 tỷ đồng.
Như vậy, với khoản bồi thường này, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại cho doanh nghiệp nguồn thu lớn, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của POW.
Ngoài ra, theo các chuyên gia của VCBS, các nhà máy thủy điện sau khi bị ảnh hưởng tiêu cực do pha El Nino sẽ hưởng lợi từ La Nina nhờ tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng sản lượng điện. Ngoài ra, giá than đang có dấu hiệu giảm, giúp nhà máy sử dụng than giảm giá thành sản xuất và có thể chào giá tốt hơn.
Các dự án Nhơn Trạch 3-4 đi vào vận hành cũng sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng tuy nhiên sẽ vào thời điểm muộn hơn so với dự kiến. Hiện tại các dự án đang bị chậm, việc vận hành được dự báo được cho sẽ lần lượt vào giữa năm 2025 và giữa năm 2026, chậm hơn 6-12 tháng so với kế hoạch.
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo tăng, công suất các nhà máy điện hiện hữu và phụ tải sẽ được huy động tối đa. Đây sẽ là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp ngành điện nói chung và POW nói riêng.
POW đang nhu cầu tăng vốn để phục vụ đầu tư. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, họ đang xây dựng kế hoạch trình công ty mẹ và Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước phương án phát hành cổ phiếu bằng tiền, chia cổ tức bằng cổ phiếu.