Giá trị xuất khẩu, tiêu dùng từ mủ và gỗ cao su tăng mạnh
(DNTO) - Cao su là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 2 tỉ USD/năm. Đặc biệt, gỗ cao su là nguồn nguyên liệu có nguồn gốc an toàn.
Sáng 27.4, tại hội thảo Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam, đại diện Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV), cho biết: Xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên của Việt Nam tăng gấp 1,6 lần về lượng cũng như kim ngạch trong giai đoạn 2015 – 2019.
Năm 2020, lượng xuất khẩu đạt khoảng 1,75 triệu tấn quy khô, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,38 tỉ USD.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, gỗ cao su hiện đã trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Nguồn cung này ngày càng quan trọng bởi gỗ cao su trong nước được coi là gỗ có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, chất lượng và công dụng tốt, sử dụng tạo ra các sản phẩm đa dạng được thị trường ưa chuộng.
Mỗi năm, lượng gỗ cao su cung ra thị trường khoảng 4,8 triệu mét khối (m3) gỗ quy tròn, với 87% lượng cung này được đưa vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, phần còn lại (13%) được sử dụng nội địa.
Con số thống kê từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, năm 2020, giá trị các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ cao su xuất khẩu đạt gần 2,4 tỉ USD, tăng gấp đôi từ con số 1,2 tỉ USD năm 2015. Xu hướng thị trường cho thấy kim ngạch xuất khẩu đang tiếp tục mở rộng.
"Nguồn cung gỗ cao su nguyên liệu phục vụ nội địa cũng lớn, khoảng 5,5 triệu m3/năm, là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành chế biến, để tạo sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản" - ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam nhấn mạnh.