Giá dầu tăng cao sau công bố giảm sản lượng dầu của OPEC+

(DNTO) - Sau khi Ả Rập Xê-út, dẫn đầu khối OPEC+, bất ngờ công bố họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu đã tăng nhanh chóng, góp thêm áp lực cho nền kinh tế thế giới.

Nơi chứa dầu thô tại Ả Rập Xê-út. Ảnh: Bloomberg
Giá dầu đã tăng cao sau công bố giảm sản lượng bất ngờ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) vào hôm qua, Chủ nhật 2/4. Chỉ số dầu Mỹ, West Texas Intermediate (WTI), tăng lên $81/thùng, tương đương 7,6%, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ một năm qua.
Đã có lo ngại giá dầu sẽ góp phần phức tạp hóa tình cảnh nền kinh tế thế giới, trong khi khủng hoảng ngân hàng vẫn còn chưa “hết mùi khói”.
Trước đó, OPEC+ đã cùng nhau cam kết cắt giảm hơn 1,1 triệu thùng/ngày trong sản lượng dầu hỏa, bắt đầu vào tháng sau. Riêng Ả Rập Xê-út sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Nga cũng từng công bố riêng họ sẽ cắt giảm sản lượng từ tháng 3 và sẽ kéo dài đến hết năm.

Giá dầu thô tăng chóng vánh sau tin OPEC+ giảm sản lượng. Ảnh: Bloomberg
Giá dầu thô vừa trải qua giai đoạn rớt giá tệ hại nhất kể từ 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Giá hợp đồng tương lai lao dốc trong khi các nhà giao dịch phải đắn đo trước các rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa diễn ra, cộng với các cuộc đình công tại Pháp. Mặc dù đã có một chút hy vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tình hình đã không mấy sáng sủa.
“OPEC rõ ràng là mong muốn giá dầu cao hơn hiện tại”, theo Gary Ross, một chuyên gia tư vấn lâu năm cho ngành dầu hỏa, thuộc hãng Black Gold Investors LLC.
Động thái bất ngờ từ Ả Rập Xê-út có thể sẽ gia tăng căng thẳng với chính quyền Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã nóng dần lên từ năm ngoái, khi Nhà Trắng không thành công trong việc thuyết phục Ả Rập tăng sản lượng dầu thô.
Tháng 10/2022, OPEC+ cũng đã thực hiện cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Đợt cắt giảm vừa công bố hôm Chủ Nhật vừa qua được xem là bước tiếp theo của nỗ lực kiểm soát giá dầu khỏi các tác động vĩ mô.
Helima Croft, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets LLC, cho biết: “Chúng tôi cho rằng Ả Rập Xê-út đưa ra quyết định như thế vì lợi ích kinh tế của chính họ”. Hiện vương quốc này đang tiến hành một chiến dịch trị giá hàng nghìn tỷ đô la để biến nền kinh tế của họ thành một trung tâm cho du lịch, kinh doanh và hậu cần toàn cầu.
Tin về việc cắt giảm sản lượng dầu thô đã làm lu mờ tin vui đến từ một thỏa thuận giữa khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq và chính phủ Mỹ để tiếp tục xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Việc gián đoạn nguồn cung đã làm điểm West Texas Intermediate (WTI) tăng hơn 9% vào tuần trước.
Giá dầu thô tăng cao sẽ gây thêm áp lực vào lạm phát, làm phức tạp hóa chiến dịch kiềm chế nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều nhà đầu tư dự đoán sự kiện này sẽ khiến Fed quyết định ngưng tăng lãi suất cho vay trong cuộc họp vào tháng 5 sắp tới.